"Chúng ta ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh", Bộ trưởng Long nói tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch quốc gia, ngày 10/5.
Ông cho biết biến chủng virus của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Như vậy, đúng như bối cảnh dịch hiện nay ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh.
"Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn", ông Long nói.
Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện. Sau khi họp với các chuyên gia, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường chủ động xét nghiệm sàng lọc Covid-19 để tầm soát trong cộng đồng. Tức là, trước, ở các khu vực xuất hiện dịch mới bắt đầu được xét nghiệm sàng lọc, nay ta chủ động xét nghiệm sàng lọc diện rộng cả ở những vùng chưa có dịch để tầm soát, phát hiện sớm, kịp thời khoanh vùng và chặn, dập.
Để tiến hành chiến thuật chống dịch tấn công, Bộ Y tế cho phép áp dụng xét nghiệm kit kháng nguyên nhanh đại trà. Cho phép các cơ sở đặc biệt như khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người, đặc biệt là bệnh viện, xét nghiệm thường xuyên. Hiện, Việt Nam đã có những kit kháng nguyên nhanh, kể cả hàng nhập khẩu và trong nước sản xuất, đã cấp phép cho các loại sinh phẩm này.
Xét nghiệm kháng nguyên cho phép xác định sự hiện diện của virus trong cơ thể, kết quả mang tính khẳng định. Xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh) cho phép xác định bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với virus hay không, có ý nghĩa sàng lọc.
"Chúng tôi muốn mở rộng tối đa xét nghiệm, đổi phương thức chạy theo xét nghiệm sang tấn công, chủ động xét nghiệm", Bộ trưởng nói.
Các địa phương tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong một tháng qua, xét nghiệm bằng 2 phương thức là kháng nguyên và kháng thể.
"Nếu kháng thể dương tính, ta có thể truy lại được tất cả nguồn gốc dịch tễ của ca nhiễm gần đây. Từ kết quả kháng nguyên, ta biết được nhiễm hay không để kiểm soát tình trạng tốt hơn, tức là chuyển từ thế 'chạy theo' xét nghiệm sang 'tấn công'", Bộ trưởng Long giải thích.
Bộ trưởng cho biết hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7/2020).
Thứ hai, tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong một tháng qua, bằng hai phương thức xét nghiệm: Kháng nguyên và kháng thể.
Thứ ba, người nhập cảnh trong các khu cách ly sẽ tiến hành cả xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể; dùng kháng nguyên nhanh để sàng lọc ngay ban đầu, từ đó, đưa ra các phương thức khác nhau để ứng phó.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR. Qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm mở rộng.
Ông Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng nhấn mạnh việc "xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt". Ông lấy ví dụ gần đây Hà Nội tăng cường công tác xét nghiệm tại sân bay, bệnh viện và tiếp tục xét nghiệm nhiều nơi khác trong thời gian tới.
"Xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý", ông Phu so sánh.
Từ ngày 27/4 đến nay Việt Nam hiện có 4 ổ dịch lớn bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Từ những ổ dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, với 442 ca Covid-19 trong nước.
Tổng số mẫu đã xét nghiệm đợt này là 84.072, riêng Vĩnh Phúc 20.290, Yên BáI 11.799, Hà Nam 9.285, Thái Bình 8.788, Hải Dương 8.092, Đà Nẵng 6.696, Hưng Yên 5.869, Bắc Ninh 4.302, Lào Cai 2.656.
Chỉ trong ngày 9/5 đã ghi nhận 92 ca lây nhiễm trong nước. Từ sáng đến đến trưa nay ghi nhận thêm 109 trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Phu: "Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh".
Ông Phu cũng đánh giá hiện chiến lược "phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả" của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, không cần thay đổi, tiếp tục duy trì.
Tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch Quốc gia cũng yêu cầu trong bối cảnh dịch hiện nay, phương thức chống dịch phải chuyển từ phòng ngự sang tấn công.