"Mấy ngày gần đây, Thủ tướng thường xuyên hỏi tôi, có cần các biện pháp mạnh hơn như giãn cách xã hội để chống dịch hay chưa? Với tư cách là Phó thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, tôi trả lời rằng chưa", ông Đam nói tại giao ban báo chí, sáng 11/5.
Ông Đam nêu quan điểm trên khi nhận được câu hỏi của báo chí, vì sao dịch bệnh đã lan ra 26 tỉnh thành, nhưng Chính phủ chưa đưa ra chủ trương giãn cách xã hội. Vì sao có tỉnh ít ca nhiễm nhưng đã giãn cách toàn tỉnh, trong khi Hà Nội đã ghi nhận nhiều ca dương tính thì chưa giãn cách? Ông chia sẻ, những ngày qua, nhiều người đã nhắn tin gọi điện cho ông, đặt câu hỏi này.
Phó thủ tướng phân tích, việc thực hiện mục tiêu kép phải luôn đảm bảo thăng bằng như đi trên sợi dây. Từ góc độ chuyên môn của những người làm trong ngành y tế và những người chống dịch, cách dễ nhất là đề nghị giãn cách xã hội sớm, khoanh vùng rộng nhất có thể, tuyệt đối cấm người nhập cảnh. "Nhưng chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng vì mục tiêu kép mà chúng ta đang kiên trì theo đuổi: Chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Để cân nhắc giữa giãn cách xã hội và phát triển kinh tế, "đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo các cấp, không chỉ là bản lĩnh chính trị mà phải dựa trên cơ sở khoa học".
Phó thủ tướng một lần nữa khẳng định Việt Nam kiên trì chiến lược "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực". "Những nguyên tắc đó đến giờ phút này không thay đổi", ông nói.
Chiến lược chống dịch nêu trên được đề ra từ năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện nhất quán ở các cấp và "đến giờ phút này Việt Nam vẫn là nước chống dịch tốt nhất thế giới".
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, hôm qua, 10/5 Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng khẳng định, "Việt Nam cơ bản đang kiểm soát tốt dịch bệnh, các ca bệnh đều xác định được nguồn lây".
"Số ca bệnh ghi nhận trong những ngày qua đều là F1, đã được khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu từ những ngày trước, nên khả năng lây ra cộng đồng thấp" ông Tuyên nói và giải thích do các địa phương truy vết thần tốc, số F1 đông, nhưng năng lực xét nghiệm chưa theo kịp dẫn đến công bố kết quả chậm.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho hay, tại Việt Nam đang có bốn nguồn dịch bệnh chính là từ TP Đà Nẵng, Yên Bái, Hải Dương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Các ổ dịch đều "cơ bản kiểm soát được nguồn lây".
Đến hôm nay, Việt Nam đứng thứ 176 thế giới về số ca nhiễm Covid-19, nhưng tính số ca bệnh trên một triệu dân thì đứng thứ 214 trong số 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đất nước không chỉ chống dịch tốt mà kinh tế vẫn tăng trưởng. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam chống dịch với chi phí thấp, "tổn thất cũng có, nhưng thấp nếu so với các nguy cơ". Vị thế của Việt Nam được nâng lên nhờ những thành quả chống dịch tốt.
"Điều đó thể hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược chống dịch của Việt Nam hoàn toàn đúng đắn.", ông Đam nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng thêm, ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát đầu năm 2020, Việt Nam đã đặt mục tiêu không để số ca nhiễm nhiều, bởi "hậu quả sẽ khôn lường". Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cũng thống nhất chủ trương khi phát hiện ca nhiễm thì khoanh vùng nhanh, gọn nhất có thể; nếu chưa đủ chứng cứ thì có thể tạm thời khoanh vùng rộng hơn, nhưng sau đó phải nhanh nhất xác định các yếu tố dịch tễ để thu hẹp.
"Những vấn đề xuyên suốt ấy là sự kế thừa qua các đợt chống dịch, tùy từng thời kỳ, sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình và năng lực Việt Nam. Tức là từng thời điểm thì tập trung vào khâu nào, chứ không thay đổi những vấn đề mang tính nguyên tắc", ông Đam nói và cho biết thêm sau mỗi đợt dịch, "chúng tôi luôn nhìn nhận nghiêm khắc để khắc phục những điều chưa tốt". Đơn cử, gần đây Chính phủ thảo luận cho thấy các quy định, hướng dẫn chống dịch đều có đủ, nhưng có đơn vị, địa phương thực hiện không nghiêm. Vì vậy, Thủ tướng thường xuyên nhấn mạnh vấn đề kỷ cương.
Về vaccine, Phó thủ tướng nói từ tháng 3/2020, Chính phủ đã giao các Bộ Y tế, Khoa học & Công nghệ, Quốc phòng "tập trung toàn lực nghiên cứu, sản xuất vaccine". "Lúc đó, chúng tôi dự báo sắp tới cuộc chiến vaccine sẽ rất căng thẳng, bởi nước nào có vaccine sớm sẽ tranh thủ thời cơ bứt lên trước", ông Đam chia sẻ.
Chính phủ đã giao Bộ Y tế tìm mọi cách để có vaccine sớm nhất tiêm cho người dân nhiều nhất, từ nguồn nhập khẩu, sản xuất trong nước, chuyển giao công nghệ... Tuy nhiên, nguồn vaccine trên thế giới đang khan hiếm, nên Việt Nam mới nhận được một lượng rất nhỏ. "Bộ Y tế đang rất tích cực, bằng mọi cách để có vaccine sớm nhất và dự kiến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ có thêm một lượng vaccine nhất định. Tuy nhiên, nếu tiêm hết số lượng này cũng chưa đủ để miễn dịch cộng đồng, nên vẫn phải thực hiện các biện pháp như khi chưa có vaccine", Phó thủ tướng nói và kêu gọi người dân chung tay thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo an toàn.
Đến nay cả nước đã tiêm hai đợt với 892.454 trong số 917.600 liều vaccine được phân bổ, đạt tỷ lệ 97%.