Sáng 27/4, hơn 282.000 học sinh THCS, THPT tỉnh Nghệ An trở lại trường sau thời gian dài nghỉ phòng Covid-19. Tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, từ 6h20 học sinh bắt đầu tới trường. Tổ xung kích của Đoàn thanh niên túc trực hai bên cổng để kiểm soát người ra vào.
Trong hơn 1.000 học sinh khối 8 và 9 chỉ một em quên khẩu trang, được yêu cầu về nhà lấy, hai em khác bỏ trong túi quần được nhắc nhở phải đeo. Tại mỗi lớp có sẵn bình rửa tay khô, học sinh trước khi vào lớp được giáo viên chủ nhiệm đo thân nhiệt. Giờ ra chơi, học sinh được yêu cầu hạn chế tụ tập trò chuyện...
Các phòng học của trường Huỳnh Thúc Kháng rộng hơn 50 m2, bố trí 24 đến 28 bàn, mỗi bàn dài 1,2 m. Với sĩ số 40-48 học sinh mỗi lớp, việc giữ khoảng cách tối thiểu một mét theo chỉ thị 19 chưa thể thực hiện. Ban giám hiệu đang tính tách lớp hoặc bố trí các phòng rộng, thêm bàn, song gặp khó khăn.
Khánh Linh, lớp 11 chia sẻ: "Nếu tách lớp, phải chuyển sang lớp mới em không muốn, bởi lớp cũ đã quen bạn bè. Về khuyến cáo phòng dịch, em luôn ý thức đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay kể cả lúc ở trường hoặc đi ra ngoài".
Tại trường THCS Hưng Bình, Ban giám hiệu đã tách 5 lớp khối 8 thành 6 lớp. Một số lớp sĩ số đông được chuyển sang học phòng chức năng.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, cho biết những ngày tới các trường tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với quy định giãn cách, song thực trạng chung là rất khó. Lớp ít học sinh thì có thể thêm bàn hoặc chuyển sang phòng rộng, còn những lớp sĩ số đông phải nghiên cứu tách.
"Với học sinh cuối cấp, đặc biệt lớp 12, việc tách lớp sẽ ảnh hưởng rất lớn bởi các em đã định hướng học theo khối để chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi đại học, nếu lập lớp mới thì phải đảm bảo được tính đồng bộ. Về tâm lý, các em phải chuyển qua lớp mới cũng không thích vì vậy giáo viên phải động viên", ông Thành nói.
Việc tách lớp cũng sẽ tốn thêm kinh phí. Theo ước tính của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, nếu từ tiểu học tới THPT thực hiện tách lớp để đảm bảo giãn cách thì mỗi ngày tỉnh phải chi thêm 500 triệu đồng, do phải tăng giờ dạy của giáo viên. Nếu thực hiện tới hết năm học thì tốn khoảng 30 tỷ đồng. Khoản kinh phí này quá lớn, vì vậy trước mắt Sở chỉ "vận động giáo viên tình nguyện dạy thêm giờ trong thời gian tăng lớp".
Tại Hà Tĩnh, khoảng 34.000 học sinh lớp 9 và 12 đã trở lại trường. Từ hơn 6h, bốn thầy cô giáo của trường THCS Nguyễn Du, đóng ở phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, đã trực trước cổng chính để đo thân nhiệt, yêu cầu học sinh rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi vào lớp.
199 học sinh khối 9 đi bộ hoặc lái xe máy điện đến trường theo từng tốp, mỗi tốp 3-4 em, tất cả đeo khẩu trang. Cặp sách các em nặng hơn ngày thường vì phải mang thêm bình nước uống và nước rửa tay.
Trong lớp, bàn ghế, rèm cửa giống như mới do vừa được phun khử khuẩn, lau chùi vào chiều hai hôm trước. Các phòng học rộng khoảng 50 m2, được bố trí 35-40 em, một bàn hai người, ngồi cách nhau khoảng 60 cm. Với khoảng cách này, khi ngồi ngang hàng, nếu học sinh quay trở vẫn chạm nhau.
Phan Nữ Quỳnh Trang, lớp 9B, chia sẻ: "Bạn bè lâu ngày gặp lại nhau, ai cũng có nhiều chuyện để bàn. Song cả lớp em dặn nhau lúc này nên hạn chế, khi ra chơi hay tan học luôn giữ khoảng cách 2 m, không tụ tập".
Theo Hiệu trưởng Lê Ngọc Anh, nhà trường thực hiện đúng chỉ dẫn về phòng chống Covid-19, trừ quy định giãn cách học sinh hơn một mét, bởi không đủ giáo viên, phòng học. "Việc bố trí học sinh ngồi như hiện nay là chấp nhận được, nếu phát sinh vấn đề chúng tôi sẽ có ý kiến lên cấp trên đề xuất phương án", thầy nói.
Tại Thừa Thiên Huế, sáng 27/4 hơn 700 học sinh lớp 11 và 12 trường THPT Quốc học Huế trở lại trường sau gần hai tháng nghỉ phòng dịch. Trước khi vào lớp, các em rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt.
Thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Quốc học Huế, cho biết trường đã bố trí học sinh ngồi cách nhau hơn một mét. Tuy nhiên, nếu theo tiêu chuẩn mỗi phòng tối thiểu 20 em thì nhà trường không thể thực hiện vì phải chia đôi lớp học. Nếu chia lớp sẽ gây khó khăn cho giáo viên trong giảng dạy.
Hàng trăm học sinh trường THCS Trần Cao Vân (thành phố Huế) sáng nay cũng quay trở lại trường. Hai ngày trước đó, giáo viên đã dọn dẹp lại phòng học, sắp xếp bàn ghế. Hiệu trưởng Trần Lan Phương cho biết, nhà trường đã sắp xếp học sinh ngồi cách nhau hơn một mét. Tuy nhiên, mỗi lớp ngồi tối thiểu 20 em trong một phòng sẽ không khả thi.
"Hiện trường có 16 phòng học với 32 lớp, học một buổi. Nếu chia mỗi phòng 20 em thì không đủ phòng và giáo viên giảng dạy cùng lúc", cô Phương giải thích.
Theo quy định của Bộ Y tế ngày 21/4, học sinh trở lại trường phải ngồi cách nhau tối thiểu 1,5 m. Ngày 23/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc lại việc bố trí chỗ ngồi cho học sinh thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Đến ngày 24/4, Thủ tướng ban hành chỉ thị 19, khuyến cáo người dân giữ khoảng cách tối thiểu một mét. Vì thế, các trường học đang thực hiện theo chỉ thị 19.
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Nguyễn Hải - Đức Hùng - Võ Thạnh