Trả lời:
Một số xét nghiệm yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn khoảng 8 tiếng để đảm bảo kết quả chính xác. Ví dụ, việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu giúp ghi nhận đúng lượng đường, mỡ, protein, enzym... trong máu, từ đó việc chẩn đoán bệnh chuẩn xác hơn.
Tuy nhiên, khi tiêm chủng, bác sĩ không yêu cầu người tiêm phải nhịn ăn. Trường hợp bạn chủng ngừa vaccine viêm gan B, cần xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên virus viêm gan B, cũng không cần nhịn ăn.
Mặt khác, việc nhịn ăn làm lượng đường trong máu giảm, có thể khiến cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng chịu đau khi tiêm. Nếu đường huyết trong máu quá thấp, bạn có thể bị chóng mặt, ngất xỉu sau tiêm, khiến việc theo dõi, xử trí các phản ứng của vaccine khó khăn hơn.
Do đó, bạn cần ăn trước khi chủng ngừa, không nên ăn quá no đồng thời lưu ý một số thói quen giúp buổi tiêm được thuận lợi và đạt hiệu quả như: ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước, vận động nhẹ nhàng trước và sau tiêm, ăn uống đủ các nhóm chất nhằm đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động ổn định và sinh miễn dịch tốt.
Sau khi tiêm chủng, bạn cần theo dõi tối thiểu 30 phút tại trung tâm tiêm chủng để được hỗ trợ xử trí kịp thời các phản ứng sớm nếu có và theo dõi thêm tại nhà 24-48 tiếng. Khi có dấu hiệu sốc như co giật, sốt cao không hạ, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Hiện Việt Nam đã có hơn 40 loại vaccine, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn. Bạn và người thân nên tiêm ngừa đúng lịch, đủ mũi để vaccine giúp cơ thể sinh miễn dịch đầy đủ với bệnh.
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC