Ngày 26/4, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, đơn vị đã có cuộc họp tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa, kiến trúc Huế xung quanh đề án phục hồi, tu bổ di tích Thái Tổ miếu, nơi thờ 9 vị chúa triều Nguyễn.
Theo đề án, công trình Thái Tổ miếu sẽ được tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể trong vòng 4 năm, tổng kinh phí hơn 265 tỷ đồng. Các hạng mục được tu bổ giai đoạn một gồm: Thái Tổ miếu, Thái miếu môn, hệ thống sân, đường đi, cây xanh, thảm cỏ và hạ tầng kỹ thuật.
Công trình sẽ được tu bổ theo kiến trúc nguyên vẹn, không biến đổi các thành phần nguyên gốc, trong đó sẽ bảo tồn dấu tích kiến trúc, cảnh quan thời vua Gia Long.
Thái Tổ miếu là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất trong Hoàng thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long với 15 gian 2 chái, chiều dài công trình gần 70m. Thái Tổ miếu nằm ở góc Đông Nam trong Hoàng thành Huế, xây dựng năm 1804.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng trước khi trùng tu, thiết kế cần thám sát khảo cổ học lại để tìm dấu vết nền móng một số công trình nằm trong khuôn viên từng được sử sách nhắc đến song đã biến mất. Nhà chức trách cũng cần sưu tầm nguồn tư liệu viết, tư liệu ảnh, bản vẽ về Thái Tổ miếu để đánh giá tổng thể công trình. Trong thiết kế phải chống oằn cho gian nhà và có hệ thống mái sối phù hợp.
Vào năm 1947, công trình Thái Tổ miếu bị thiêu rụi do chiến tranh. Vào năm 1971, bà Từ Cung và hoàng tử Bảo Long đã góp tiền xây dựng lại một phần Thái Tổ miếu trên nền cũ của công trình để thờ các chúa triều Nguyễn. Tuy nhiên, trải qua mưa bão, công trình bị xuống cấp trầm trọng, các án thờ chúa Nguyễn phải đưa sang thờ tại Triệu Tổ miếu ở phía sau.
Võ Thạnh