Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hàng năm viện tiếp nhận khoảng 6.000-8.000 người bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, người bị đột quỵ chưa được điều trị tập trung, rải rác tại nhiều khoa, phòng như khoa Cấp cứu, khoa Thần kinh, viện Tim mạch, khoa Hồi sức Tích cực, khoa Phẫu thuật Thần kinh... Nguồn lực phân tán và chưa thống nhất quy trình, việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ chưa đạt tối ưu.
"Trung tâm Đột quỵ tích hợp các chuyên khoa này, tập trung cứu chữa bệnh nhân đột quỵ nhanh nhất, hiệu quả nhất", ông Tuấn nói.
Phó giáo sư Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, cho biết phương pháp xử trí và điều trị bệnh nhân đột quỵ hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến trên thế giới. Bệnh viện áp dụng thường quy nhiều kỹ thuật cao về can thiệp đột quỵ như tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở nửa sọ giảm áp cho người thiếu máu não, phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp túi phình động mạch vỡ trong chảy máu dưới nhện. Ngoài ra còn có các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo oxy não...
Bác sĩ Tôn cho biết trong điều trị đột quỵ, "thời gian là vàng". Người bệnh cần nhanh chóng được chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiến hành tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu khởi phát đột quỵ. Trung tâm Đột quỵ chuyên môn hóa hoạt động giúp người bệnh được can thiệp kịp thời. Đây cũng là nơi hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đột quỵ đang là vấn đề thời sự của cả thế giới. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ mới. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ ba, gây tàn phế thứ nhất trong các bệnh lý.
Các đơn vị điều trị chuyên sâu về đột quỵ giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục người bệnh.