Trung tâm xây dựng năm 2012, bắt đầu sử dụng năm 2015, trên diện tích một hecta ở thôn Song Nam, xã Cương Gián, gồm các hạng mục: Phòng học, phòng thực hành, phòng làm việc và khu nhà ở nội trú.
Công trình thuộc giai đoạn một của Dự án trồng rừng, trang trại chăn nuôi và đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật, do Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư.
Giai đoạn đầu, công trình được một tổ chức của Đức tài trợ kinh phí xây dựng hạ tầng, UBND tỉnh Hà Tĩnh trích kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Giai đoạn hai dự kiến xây dựng khu trồng trọt và chăn nuôi trên diện tích 68 hecta, hiện chưa triển khai vì vướng đền bù. Nhà chức trách kỳ vọng dự án sẽ giúp đào tạo và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người khuyết tật trên địa bàn.
Thời điểm mới hoạt động, mỗi năm trung tâm đón khoảng 50 học viên là người khuyết tật đến từ nhiều huyện. Họ được đào tạo kỹ thuật trồng rừng, trồng chè, trồng nấm, rau quả và chăn nuôi trâu bò. Ngoài ra, cơ sở còn mở một số khóa học ngắn hạn về trồng rừng cho người dân sống tại xã Cương Gián.
Từ năm 2017, học viên ít dần, có lúc được 10 người. Năm 2018, trung tâm dừng hoạt động, hệ thống cơ sở vật chất bỏ hoang. Đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, người lao động hồi hương nhiều, nhà chức trách trưng dụng nhiều phòng của trung tâm để làm chỗ cách ly phòng dịch.
Giữa tháng 1/2021, trung tâm không một bóng người qua lại. Cổng chính và cổng phụ đều đóng, treo tấm bảng lớn ghi quy định của khu cách ly tập trung. Bên trong, dãy phòng học và phòng chức năng hai tầng nhiều chỗ gạch bong tróc, tường rêu mốc bám phủ. Khu nhà nội trú nhếch nhác, đồ đạc ngổn ngang. Nhà bảo vệ cửa kính vỡ. Tiếc khu đất trống bỏ hoang, nhiều người dân sống xung quanh đã trèo vào cải tạo trồng rau.
Ông Nguyễn Văn Kỷ, trú thôn Song Nam, nói năm 2018, khi trung tâm dừng hoạt động vẫn có bảo vệ cùng một vài nhân viên ở lại trông coi, song đến nay không còn ai. "Chúng tôi thấy rất lãng phí khi khu đất rộng lại bỏ hoang. Mong nhà chức trách sớm có phương án xử lý", ông nói.
Ông Thái Ngọc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh, cho biết hàng năm tỉnh bố trí ngân sách đủ phục vụ cho các cơ sở dạy nghề ở TP Hà Tĩnh, ở cơ sở xã Cương Gián phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa. Sau vài khóa thực hành, trung tâm gặp khó khăn, kinh phí duy trì sản xuất không có nên tạm dừng.
Theo ông Lâm, vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan chủ trì quy hoạch lại mô hình kinh doanh liên kết tại Trung tâm dạy nghề ở xã Cương Gián để triển khai giai đoạn hai của dự án, trên khu đất rộng 68 hecta được quy hoạch từ trước, kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.
"Tỉnh đã đồng ý chủ trương, năm 2021 sẽ trả tiền đền bù đất để thực hiện. Có nhiều doanh nghiệp đăng ký góp vốn đầu tư, đơn vị đang lựa chọn", ông Lâm nói và cho hay mục tiêu của việc này là thu hút thêm học viên cho cơ sở dạy nghề đang dừng hoạt động, phối hợp với người dân địa phương kinh doanh dịch vụ tổng hợp, thực hiện một số mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt.