Trường được lập năm 2010, trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ban đầu cơ sở của trường đặt tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận. Bốn năm sau, trường được cấp vốn xây cơ sở mới, ở xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết. Trong đó, vốn Tổng liên đoàn Lao động 42 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Thuận 15 tỷ đồng, các nguồn khác 3 tỷ đồng.

Một dãy nhà của trường nghề phía trước sân cỏ mọc đầy, ngày 6/11. Ảnh: Việt Quốc.
Dự án khởi công ngày 4/11/2014, xây theo chuẩn trường nghề quốc gia với nhiều hạng mục: phòng học, thực hành, hội trường, căn tin, ký túc xá... Công trình dự kiến hoạt động cuối năm 2017, sẽ là nơi đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, con em vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, người lao động nghèo trong tỉnh.
Thế nhưng đến nay dù phần lớn công trình đã hoàn thiện nhưng dự án chưa đi vào hoạt động, bị bỏ hoang hơn 2 năm qua. Ghi nhận của VnExpress ngày 6/11, dãy nhà hành chính, nhà ban giám hiệu, cổng, tường rào bao quanh trường đã hoàn thành nhưng bị cỏ mọc đầy phía trước.
Kề bên là khối nhà giảng đường học lý thuyết hướng ra sân tập lái xe ô tô (đã hoàn thiện) bị bỏ không, phía trước sân um tùm cỏ dại. Cửa kính dãy nhà bám dày bụi bẩn, nền gạch nhiều chỗ hoen ố. Ba ô tô biển xanh phục vụ dạy lái nằm giữa nắng, tróc sơn, xẹp lốp.
Hai dãy nhà thực hành số 1 và số 2, ký túc xá 200 chỗ (1 trệt, 2 lầu) và khu căn tin ở phía sau làm xong từ lâu bị để trống. Hội trường gần khu ban giám hiệu xây bề thế nhưng còn nhiều vết sơn trét nham nhở, phía trong một số chỗ bị dột, nước mưa chảy xuống làm hỏng tường, la phông...

Một số dãy nhà hoàn thành gần 3 năm nay nhưng không sử dụng, có dấu hiệu xuống cấp, cỏ dại mọc đầy. Ảnh: Việt Quốc.
Ông Thái Khắc Hợi, 75 tuổi, quê Hà Tĩnh, được thuê trông coi vật tư ở trường 6 năm, cho hay khoảng năm 2018, khi khu hội trường thi công gần xong, các công nhân Công ty Đông Dương (Hà Nội) rút đi, không rõ lý do. Từ đó đến nay không thấy ai đến làm tiếp. Do đó nhiều gói thầu đã xong chưa được nghiệm thu. Trường bỏ trống quá lâu dễ bị những người hút chích, xì ke vào quậy phá, trộm cắp nếu lơ là trông coi.
Lý giải việc công trình chậm đưa vào hoạt động, ông Trần Quang Duyệt, nguyên Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận (nghỉ hưu đầu năm 2020) cho rằng gói thầu số 5 (nhà xe, hội trường, nhà thực hành, đấu nối điện nước...) bị đình trệ do "tranh chấp đất đai" ở vị trí xây dựng nhà xe với hộ ông Bùi Văn Khiêm (41 tuổi, ở khu dân cư Văn Thánh 3, phường Phú Tài). Đến tháng 9 năm ngoái, mặt bằng mới được bàn giao để nhà thầu thi công, nhưng "ảnh hưởng Covid-19 nên tiếp tục chậm trễ".
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Khiêm lại khẳng định từ năm 2017 gia đình đã bàn giao mặt bằng cho trường để tái định cư ở khu Văn Thánh 3, chứ không như ông Duyệt nói. Thời điểm giao nhà đất cho dự án ông Khiêm đều có hồ sơ, tài liệu và hình ảnh chứng minh. Ông cho biết việc mình kiện UBND TP Phan Thiết với mong muốn chính quyền bồi thường thêm cho gia đình.
"Có mập mờ gì đó trong dự án này nên ông Duyệt mới lấy cớ đổ lỗi cho gia đình tôi như vậy", ông Khiêm nói và đề nghị cơ quan chức năng thanh tra toàn bộ dự án.

Ô tô phục vụ dạy nghề lái xe để trong khuôn viên trường. Ảnh: Việt Quốc.
Sau nhiều lần liên hệ, ông Nguyễn Xuân Phối, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Thuận nói bận việc, chưa thể cung cấp thông tin và đề nghị phóng viên làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hà - hiệu trưởng hiện tại của trường (chủ đầu tư dự án). Tuy vậy, bà Hà cho biết mới tiếp nhận nhiệm vụ 3 tháng, nên chưa nắm rõ dự án.
Cũng như người tiền nhiệm, với lý do "chưa có ý kiến của cấp trên", bà Hà không cung cấp thông tin liên quan kinh phí, tiến độ gói thầu số 5 và cả dự án. "Khi chưa được phép của Tổng Liên đoàn Lao động, chúng tôi không thể cung cấp thông tin cho báo chí", bà Hà nói và cho biết nếu dự án được thi công sẽ hoạt động vào đầu năm sau.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là công trình có ý nghĩa với địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Tỉnh cũng có phần vốn đối ứng trong dự án. Tuy vậy, hiện ông chưa nắm rõ tiến độ công trình, đề nghị phóng viên liên hệ Tổng liên đoàn Lao động, Liên đoàn lao động Bình Thuận để được cung cấp thông tin cụ thể.
Chiều 13/11, qua điện thoại, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động cho hay chưa nắm tình hình thực hiện dự án trường nghề ở Bình Thuận nên không thể trả lời ngay. "Sau khi rà soát, nắm lại thông tin từ các bộ phận liên quan, tới đây chúng tôi sẽ trả lời chính thức", ông Hải nói.
Việt Quốc