Ngày 28/2, CSGT, Cơ động và Công an huyện Bình Chánh, TP HCM, phong tỏa vòng ngoài Trung tâm 50-13D trên đường Trần Đại Nghĩa, xã Tân Kiên. Nhiều ôtô đến đăng kiểm được cảnh sát yêu cầu quay đầu, hướng dẫn chuyển sang các trung tâm khác.
Bên trong Trung tâm 50-13D, các điều tra viên làm việc với lãnh đạo và nhân viên cơ sở; kiểm tra nhiều máy móc, tài liệu. Đến trưa, cảnh sát đưa nhiều thùng tài liệu về trụ sở. Hiện, hành vi sai phạm của lãnh đạo và các nhân viên trung tâm chưa được công bố.
Động thái này được đưa ra trong tiến trình mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm ở TP HCM và các tỉnh thành.
Hơn hai tháng qua, công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, khám xét gần 50 trung tâm, khởi tố gần 300 người. Riêng tại TP HCM, nhà chức trách đã bắt tạm giam 128 người là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên 13 trung tâm đăng kiểm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 8 đơn vị tại Sài Gòn.
Đến nay, người có chức vụ cao nhất bị bắt về hành vi Nhận hối lộ là hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình. Họ bị cáo buộc cùng nhiều cấp dưới nhận tiền hàng tháng, hàng quý của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành, bỏ qua các lỗi vi phạm của các đơn vị này. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam mới được chấp nhận.
Còn tại các trung tâm sẽ có "cò" dẫn mối đến đăng kiểm. Trung tâm sẽ bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công phương tiện, hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử, xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải... Ngoài số tiền đóng phí đăng kiểm, phí đường bộ theo quy định (nộp vào cho kế toán), chủ các xe vi phạm lỗi tiêu chuẩn kỹ thuật phải đưa thêm tiền.
Nhà chức trách ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới, hơn 52.300 giấy chứng nhận kiểm định đã được đường dây này cấp sai quy định. Việc này là đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người đi đường; ảnh hưởng đến việc giám sát số lượng, chất lượng xe; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trật tự quản lý công cộng; gây dư luận xấu cho xã hội...
Số tiền các bị can hưởng lợi chưa được thống kê đầy đủ, song có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, ngày 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Quốc Thắng