Những NFT này xuất hiện từ ngày 29/3, bắt đầu từ tài khoản có tên AFENFT trên sàn OpenSea. Sau hai ngày, nhiều tài khoản khác cũng làm theo khi rao bán hàng loạt ảnh về cựu Chủ tịch FLC dưới dạng NFT. Tuy nhiên, hiện hầu hết các NFT này trên sàn OpenSea đều chưa có giao dịch.
Mức cao nhất với một NFT hình ông Trịnh Văn Quyết được đưa ra là 5 ETH, tương đương 17.000 USD. Đây chỉ là giá sàn mà người tạo ra NFT mong muốn, chưa phải giá giao dịch thực tế và thời gian đấu giá kéo dài đến ngày 6/5. Một số NFT khác về ông Quyết được rao với giá tương đối đa dạng, từ 0,1 ETH đến 4 ETH, hoặc cho phép người mua có thể tự đặt giá theo mong muốn.
Theo một số chuyên gia về tài sản số, việc rao bán trên mang tính trào lưu hơn là đem lại giá trị cho người mua. Lý do là những hình ảnh gắn NFT trên không có nguồn gốc rõ ràng, hầu hết được tải về từ Internet sau đó đưa lên OpenSea.
"Trong trường hợp này, có thể người tạo NFT đơn giản là tải ảnh từ Internet, sau đó đăng lên sàn, đợi ai đó sẽ mua để họ kiếm lời", ông Phan Đức Nhật, chuyên gia về tài sản số, nhận định. Cũng theo ông, NFT hiện phần lớn mang giá trị sưu tầm. Ngoài ra, chúng cũng có thể quy đổi ra một quyền lợi nào đó, nhưng sẽ cần một tổ chức đứng ra làm việc đó, như voucher mua sắm hay nhân vật trong game.
Hầu hết NFT về ông Trịnh Văn Quyết đăng trên OpenSea từ các tài khoản cá nhân, với tính chuyên nghiệp chưa cao. Điều này thể hiện ở việc NFT không có mô tả, album để tên mặc định. Nội dung NFT là một ảnh nhưng được áp một số bộ lọc để tạo thành bức hình khác nhau.
Ngoài ông Trịnh Văn Quyết, hình ảnh của nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng được biến thành NFT vào rao bán. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng những NFT này không có yếu tố độc nhất, không có nguồn gốc rõ ràng nên không đem lại giá trị sưu tầm và sẽ rất khó có người mua.
Lưu Quý