Aja Trier, một hoạ sĩ sống tại thành phố San Antonio, Texas, đã quá quen với việc tác phẩm của mình bị đánh cắp. Chúng thường xuất hiện trên áo phông, ốp lưng điện thoại và những nơi khác mà cô không được báo trước.
Nhưng vào 4/1, khi Trier mở email, hàng loạt cảnh báo được gửi đến: Những bức tranh nổi tiếng theo phong cách Vincent Van Gogh của cô đã được chuyển thành gần 86.000 NFT và bán trên nền tảng OpenSea. "Tôi đã thấy các nghệ sĩ khác bị ăn cắp tác phẩm và bán dưới dạng NFT, nhưng không tới mức như trường hợp của tôi. Nhiều người cũng nói với tôi rằng họ chưa bao giờ thấy quy mô ăn cắp bản quyền lớn như vậy", Trier trả lời The Verge.
Trier nói cô không hề biết tác phẩm của mình được chuyển thành NFT và bán với giá từ 0,003 ETH, tương đương 10 USD cho mỗi NFT. Nữ hoạ sĩ không đơn độc, khi nhiều nghệ sĩ khác cũng bị ăn cắp "đứa con tinh thần" kể từ khi NFT bùng nổ đầu năm 2021. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề ngày càng tồi tệ khi những kẻ đứng sau kiếm được hàng tỷ USD từ thứ không phải của mình.
Theo NFTTheft - một nhóm tập hợp những nghệ sĩ có tác phẩm bị trộm và biến thành NFT, các vụ ăn cắp số lượng nhỏ vẫn thường xảy ra mỗi ngày. Tuy nhiên, có trường hợp số tác phẩm bị đánh cắp lên tới hàng chục nghìn, như của Trier.
Vấn nạn này được cho là có liên quan đến các phần mềm bot quét hình ảnh trên website trưng bày trực tuyến của nghệ sĩ, thậm chí là trên các dịch vụ như Google Image, sau đó tạo các bộ sưu tập NFT tự động rồi bán trên chợ. Những danh sách này có nhiều nhất trên OpenSea.
"Đó không phải là sự tình cờ", đại diện NFTTheft nói. Theo người này, các sàn như OpenSea cho phép tạo NFT bằng cách sử dụng Lazy Minting - tính năng cho phép người dùng liệt kê NFT để bán mà chưa cần phải ghi vào blockchain. Bên cạnh đó, người bán không phải trả phí cho sàn cho đến khi NFT được mua. Điều này tiếp tay cho những kẻ lừa đảo bày bao nhiêu mặt hàng tùy thích với hy vọng sẽ có ai đó mua tác phẩm.
"Nhiều nền tảng khác cũng có Lazy Minting, nhưng sự phổ biến của OpenSea và hệ thống kiểm tra nhanh của nó là nơi lý tưởng để bot ẩn nấp", NFTTheft cho biết.
Các nghệ sĩ có thể biết tác phẩm của mình bị ăn cắp thông qua một số phần mềm chuyên dụng. Năm ngoái, DeviantArt đã giới thiệu Protect - công cụ chuyên nhận dạng hình ảnh và thông báo cho chủ nhân của chúng về việc vi phạm bản quyền trên các chợ NFT.
Dù vậy, việc yêu cầu gỡ bỏ các tác phẩm vi phạm lại là chuyện khác. Trier đã gửi văn bản lên OpenSea, nhưng nhận sàn này yêu cầu chứng minh quyền sở hữu của từng NFT.
Lois van Baarle, họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan, đã đòi lại được 100 tác phẩm vi phạm vào tháng 12 năm ngoái. Theo NFTTheft, Baarle nằm trong số ít may mắn, bởi những người khác thường phải đợi rất lâu hoặc thậm chí bị từ chối khiếu nại.
Trong khi đó, OpenSea cho biết việc bán các tác phẩm NFT đạo nhái trên nền tảng là vi phạm chính sách, với mức xử lý cao nhất là xoá tài khoản. Dù vậy, đại diện công ty thừa nhận hơn nửa các mục tạo bằng công cụ miễn phí có trên chợ là các tác phẩm ăn cắp ý tưởng, bộ sưu tập giả mạo và NFT rác.
Rarible, một nền tảng giao dịch NFT lớn khác, cố gắng kiểm soát vấn đề vi phạm bản quyền bằng cách sử dụng hệ thống xác minh do con người kiểm duyệt. Sàn này khẳng định hệ thống đã giảm tới 90% việc bán tác phẩm đạo nhái kể từ đầu 2021.
Tuy vậy, các giải pháp như của Rarible chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Theo Mert Hilmi Iseri, chuyên gia của Math Venture Partners, cần có các hệ thống kiểm soát "ở quy mô blockchain" để xác minh những nhà sưu tập, nghệ sĩ và người bán hợp pháp, đồng thời trừng phạt những kẻ lừa đảo trên thị trường.
Các chuyên gia khác cho rằng đã đến lúc việc giao dịch NFT cần đưa vào khuôn khổ pháp lý và có chế tài để ngăn vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ. Dù vậy, thị trường này hiện chưa được kiểm soát đầy đủ bởi pháp luật.
Đối với Trier, cô đã ngừng khiếu nại trên OpenSea vì thất vọng với các biện pháp của nền tảng này trong việc bảo vệ chủ nhân thật sự của tác phẩm nghệ thuật. "OpenSea đang nguỵ tạo mọi thứ trên nền tảng. Trên OpenSea, đó là miền Tây hoang dã", Trier nói.
Bảo Lâm (theo The Verge)