Để tạo ra tín hiệu 5G ở nơi cao nhất thế giới, các công nhân phải rèn luyện khả năng leo núi, vượt qua nỗi sợ độ cao và vận chuyển các thiết bị chuyên dụng phù hợp đến khu vực sau đó tiến hành lắp trạm phát sóng. China Telecom đã lắp hai máy ảnh để liên tục phát hình ảnh của đỉnh Everest.
Trạm phát sóng này đi vào hoạt động trong bối cảnh tin giả lan truyền nghi ngờ rằng 5G làm phát tán virus corona. Ở nhiều nước châu Âu, phong trào đốt trạm phát sóng vẫn diễn ra âm ỉ.
Trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, trạm phát sóng 5G cao nhất thế giới đang là chủ đề nóng thu hút 26 triệu lượt đọc và hàng nghìn bình luận. "Đó là hành trình kỳ diệu. Tôi đã phải tập luyện rất vất vả mới có thể leo Everest. Những kỹ sư có thể xây dựng và vận hàng trạm phát sóng này tại đây thật không dễ dàng", tài khoản Xing Muzi bình luận. Nhiều người cho rằng việc xây trạm 5G trên Everest không chỉ cho thấy tiềm lực công nghệ của Trung Quốc mà còn có thể cứu sống nhiều nhà leo núi, họ có thể ngay lập tức liên lạc với đội cứu hộ khi mắc kẹt. Hoặc đơn giản hơn, những người leo núi có thể lập tức chia sẻ hình ảnh, video với người thân nhờ mạng 5G tốc độ cao.