Các cơ sở sẽ xếp hạng an toàn sinh học độ ba, bởi vì nCoV có khả năng gây bệnh cao và cần môi trường an toàn để sử dụng.
Bốn trong số năm ứng cử viên là vaccine bất hoạt - kỹ thuật kích thích phản ứng của hệ miễn dịch tiêu diệt virus. Kỹ thuật này đòi hỏi cơ sở sản xuất đạt mức an toàn cao. Ứng viên còn lại không dùng virus sống để sản xuất, yêu cầu mức độ an toàn sinh học thấp hơn.
Các thử nghiệm vaccine giai đoạn hai sẽ kết thúc vào tháng 7, nhưng vẫn còn một dấu hỏi lớn về các thử nghiệm ở giai đoạn ba – vốn sẽ cần hàng nghìn tình nguyện viên - bởi vì không có đủ các ca bệnh mới để thử nghiệm.
Tuy nhiên, các nhà quản lý và nhà sản xuất vẫn muốn phát triển vaccine càng sớm càng tốt.
Yu Qingming, bí thư của SinoPharm, công ty con thuộc Tập đoàn Dược phẩm sở hữu Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), cho biết hai cơ sở an toàn sinh học được xây dựng với "tốc độ thời chiến".
Hai công ty con của CNBG là Viện sản phẩm Sinh học Bắc Kinh và Viện sản phẩm Sinh học Vũ Hán, đã thiết kế các loại vaccine bất hoạt và đang trải qua giai đoạn thử nghiệm thứ hai.
"Cơ sở tại Bắc Kinh đã hoàn thành và đang chờ chứng nhận. Năng lực sản xuất hàng năm sẽ là 100 triệu liều. Cấu trúc chính của xưởng sản xuất tại Vũ Hán cũng được hoàn thành, năng lực sản xuất hàng năm là 80 triệu liều", ông Yu cho biết.
"Sau khi hai xưởng bắt đầu sản xuất, chúng sẽ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng quy mô lớn và đảm bảo về tính sẵn có và giá cả phải chăng cho vaccine Covid-19".
Zhu Jingjin, bí thư đảng ủy CNBG, cho biết năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân số đặc biệt, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên ngoại giao, du học sinh và những người làm việc trong các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trước đó, Trung Quốc dự định sẽ tiêm phòng cho một số nhóm nhất định vào cuối năm nay mặc dù thử nghiệm chưa kết thúc.
Công ty Sinovac Research & Development, gần đây nhận 15 triệu USD tài trợ từ hai nhà đầu tư để thúc đẩy loại vaccine bất hoạt tên là CoronaVac, cũng đang xây dựng cơ sở sản xuất an toàn cấp ba ở quận Đại Hưng, Bắc Kinh.
Công ty tuyên bố đang đàm phán với Tổ chức Y tế Thế giới và cơ quan quản lý của các quốc gia có liên quan, để thử nghiệm giai đoạn ba trên người. Công ty hy vọng có thể sản xuất 100 triệu liều mỗi năm và có kế hoạch thử nghiệm sản xuất vào tháng 7. Các nhà sản xuất thuốc có vaccine chưa đạt đến giai đoạn thử nghiệm cao hơn cũng đang xây dựng các cơ sở an toàn.
Một chuyên gia về vaccine giấu tên, cho biết cơ quan quản lý thuốc đã giảm quan liêu để đảm bảo vaccine có thể được phê duyệt nhanh chóng.
"Covid-19 đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ việc đánh giá và xem xét được tính theo giờ chứ không tính theo ngày", chuyên gia nói.
Chuyên gia này cho biết, hệ thống phát hành vaccine của Trung Quốc vốn đòi hỏi rất nhiều kiểm nghiệm sinh học và hóa học trước khi công bố, những việc tăng thêm cũng có thể xử lý bằng nhân lực hiện tại.
"Tôi không lo lắng về sản xuất hay cung ứng Covid-19. Nhưng không chắc chắn về chất lượng của vaccine", chuyên gia nói.
Trên thế giới, Mỹ đã hợp tác với nhà sản xuất thuốc Astra Zeneca để sản xuất ít nhất 300 triệu liều vaccine do Đại học Oxford của Anh phát triển vào mùa thu tới.
Nhà sản xuất thuốc Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức đang phát triển loại vaccine sử dụng các phiên bản tổng hợp mARN (vật liệu di truyền) của virus, hy vọng phân phối 20 triệu liều vào cuối năm nay nếu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn.
Chi Lê (Theo SCMP)