Kết quả thử nghiệm được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 22/5. Vaccine Ad5-nCoV được phát triển bởi công ty Công nghệ sinh học CanSino (Trung Quốc), là một trong những vaccine đầu tiên thử nghiệm ở người vào ngày 18/3, sau Mỹ hai ngày.
Ad5-nCoV được điều chế dựa trên một loại virus cảm lạnh thông thường (virus adeno) làm suy yếu sau đó đưa vào tế bào người để mang theo một đoạn vật liệu di truyền từ nCoV. Vật liệu di truyền này cung cấp các hướng dẫn để tạo ra gai protein trên bề mặt của nCoV. Hệ thống miễn dịch của người sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các gai protein của nCoV.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm Ad5-nCoV ở 108 người khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi không nhiễm nCoV. Họ được tiêm vaccine liều thấp, trung bình hoặc cao.
Hai tuần sau khi tiêm vaccine, những người tham gia ở cả ba nhóm trên đều có khả năng đáp ứng miễn dịch với virus. Đến 28 ngày, gần như tất cả người tham gia đã phát triển các kháng thể liên kết với nCoV. Khoảng một nửa số người tham gia trong các nhóm liều thấp, trung bình và 3/4 người tham gia trong nhóm liều cao đã phát triển kháng thể có khả năng trung hòa, và vô hiệu hóa nCoV.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất là đau nhẹ tại vùng tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Chín người tham gia thử nghiệm (hai người ở nhóm liều thấp, hai người ở nhóm liều trung bình và năm người ở nhóm liều cao) sốt hơn 38,5 độ C. Một người tham gia nhóm liều cao bị sốt cao kèm mệt mỏi, khó thở và đau cơ. Tuy nhiên những triệu chứng này kéo dài không quá 48 giờ.
Các nhà nghiên cứu dự kiến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai với 500 tình nguyện viên. Những người tham gia sẽ được tiêm một liều thấp hoặc trung bình hoặc giả dược. Nghiên cứu cũng tiến hành với những tình nguyện viên trên 60 tuổi, xem xét các tác dụng phụ cho đến sáu tháng sau khi tiêm chủng.
Các nước cũng đang đẩy nhanh tốc độ trong cuộc đua điều chế vaccine. Mới đây, Mỹ tuyên bố đã thử nghiệm thành công vaccine ngừa Covid-19 trên người của công ty Moderna. Mỹ cũng chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn hai với 600 người trong tháng 6.
Lê Cầm (Theo Livescience)