GAVI là tổ chức phi chính phủ uy tín thế giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em tại các quốc gia đang phát triển.
Ngày 25/5, trong bài đăng trên trang web chính thức, GAVI phân tích các phương pháp dập dịch, đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc đẩy lùi Covid-19.
Các chuyên gia nhấn mạnh: "Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của một số quốc gia phát triển đang trên bờ vực sụp đổ vì sức ép của Covid-19, Việt Nam đã hành động nhanh chóng, kịp thời kiểm soát đại dịch".
Với dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam từng có kinh nghiệm đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm khác như SARS, MERS, sởi và sốt xuất huyết. Theo GAVI, lần này, Việt Nam đã chặn sự lây lan nCoV bằng bốn phương pháp hiệu quả.
Một trong số đó là xét nghiệm nhanh chóng.
GAVI đánh giá cao hành động kịp thời của chính phủ. Ngay sau khi trường hợp dương tính ngoài Trung Quốc được báo cáo, nhà chức trách Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ khu vực biên giới, ngăn chặn các ca nhiễm "nhập khẩu".
"Khi phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, toàn bộ địa điểm người này từng đi đến bị cách ly", GAVI ghi nhận.
Ngày 11/1, ngay sau khi Trung Quốc ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên do nCoV, Việt Nam tiến hành kiểm tra sức khỏe tại sân bay, đo thân nhiệt du khách. Người có biểu hiện sốt, ho, tức ngực hoặc khó thở được xét nghiệm virus. Các trường hợp dương tính, đối tượng tiếp xúc gần như hành khách, phi hành đoàn trên cùng chuyến bay đều phải cách ly trong vòng 14 ngày.
GAVI cũng đề cập đến cuộc họp của Bộ Y tế Việt Nam với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 15/1, ca ngợi đây là động thái tiên phong, diễn ra "vài tuần trước khi một số quốc gia khác có chiến lược đầu tiên".
Tổ chức này cũng nhận định công tác theo dõi đường đi của các ca nhiễm là yếu tố khác giúp Việt Nam khống chế dịch bệnh.
Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng khắp thế giới, chính phủ Việt Nam tiến hành cách ly 14 ngày đối với tất cả người nhập cảnh, đồng thời hủy toàn bộ chuyến bay quốc tế. Bất cứ ai có triệu chứng gần giống Covid-19 được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế.
Theo chuyên gia của GAVI, bằng việc phân tích lịch trình di chuyển, lực lượng chuyên môn có thể nhanh chóng huy động các nhân viên y tế, an ninh công cộng, quân đội và công chức, kịp thời tìm ra các đối tượng F1, F2...
"Điều này có thể không phổ biến ở một số quốc gia cởi mở hơn, nhưng người dân Việt Nam được khuyến khích báo cáo những hàng xóm, láng giềng vừa trở về từ nước ngoài nhưng chưa đi cách ly", GAVI chỉ rõ.
GAVI khen ngợi ứng dụng di động NCOVI. Đây là ứng dụng được phát triển bởi Bộ Thông tin và Truyền thông, cho phép công chúng cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày. NCOVI ghi dấu "điểm nóng" lây nhiễm và báo cáo các trường hợp dương tính mới, "cung cấp cho người dùng phương pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe".
Tổ chức này đề cao chiến dịch truyền thông đại chúng của Việt Nam, cho rằng đây là chìa khóa thứ ba giúp kiểm soát sự lây lan của virus.
"Việt Nam đã không ngần ngại phát sóng về sự nghiêm trọng của Covid-19, hỗ trợ sản xuất một video ca nhạc hấp dẫn, truyền đi thông điệp rửa tay thường xuyên. Nó dễ nhớ, hiệu quả và được chia sẻ rộng rãi với phần còn lại của thể giới", tác giả bài viết của GAVI nhấn mạnh.
Ngày 19/3, chính phủ cũng phát động chương trình gây quỹ để mua thiết bị y tế và đồ bảo hộ dành cho bác sĩ tuyến đầu.
Theo GAVI: "Cả hai chiến dịch công khai này đều nâng cao nhận thức về Covid-19 và ngăn chặn sự lây lan của nó".
Trước đó, một số báo cáo cho rằng Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do nCoV bởi công tác kiểm tra và xét nghiệm còn thiếu sót. Tuy nhiên, GAVI khẳng định "điều này là sai sự thật".
"Việt Nam không chỉ đặt mua 200.000 xét nghiệm từ Hàn Quốc, mà còn lập tức phát triển thành công kit thử của riêng mình", các chuyên gia GAVI ghi nhận.
Bộ xét nghiệm của Việt Nam được chế tạo trong vòng một tháng. "Nó hiệu quả, giá cả phải chăng và cho kết luận nhanh chóng, chẩn đoán chính xác các ca nghi nhiễm nCoV chỉ trong một giờ", GAVI nhận định.
Sử dụng kỹ thuật được WHO phê chuẩn, bộ kit giúp giới chức y tế cách ly ca Covid-19 và theo dõi người tiếp xúc gần. Không giống với các quốc gia khác, hầu hết thử nghiệm đại trà, tại Việt Nam, xét nghiệm chỉ được thực hiện đối với người nghi nhiễm.
Các chuyên gia GAVI kết luận "đây là 4 yếu tố góp phần quan trọng trong thành công của Việt Nam". Tổ chức này bày tỏ ấn tượng khi Việt Nam duy trì rất tốt các chương trình tiêm chủng bệnh khác như sởi, bại liệt và bạch hầu giữa bối cảnh Covid-19 lây lan.
"Thời gian cho thấy liệu biện pháp này sẽ tiếp tục giữ số ca nhiễm ở ngưỡng thấp hay không, khả năng cao là có. Ngay cả trong đại dịch, Việt Nam đã chứng minh rằng: đơn giản đôi khi là cách làm hiệu quả nhất", GAVI kết luận.
Thục Linh (Theo GAVI)