Ông Mike Moore: "Quan điểm của các nhà đàm phán rất quan trọng". |
- Một số đối tác lớn đang đưa ra yêu cầu đàm phán rất cao với VN và hy vọng gia nhập cuối năm nay trở nên mong manh. Xin ông bình luận?
- Mục tiêu gia nhập WTO vào cuối năm nay của VN là có thể, nhưng thực sự sẽ ngày một khó khăn hơn. Các bạn đang đàm phán với gần 10 nước. Còn hơn 100 nước nữa, họ có thể đưa ra yêu cầu đàm phán vào bất cứ lúc nào và đòi hỏi ngày một khắt khe hơn. Nhưng không vì thế mà mục tiêu gia nhập vào cuối năm nay không thể thành hiện thực. Chúc các bạn thành công.
- Kể từ khi ông còn ở cương vị tổng giám đốc WTO đến nay, gần 20 thành viên mới đã được kết nạp. Với kinh nghiệm của mình, ông thấy những đòi hỏi mà các nước đó phải đáp ứng so với những yêu cầu đặt ra với VN bây giờ thế nào?
- Đàm phán gia nhập WTO sẽ ngày càng khó khăn hơn so với quá khứ và đòi hỏi chúng ta nỗ lực rất nhiều. Trung Quốc giờ đã trở thành thành viên của WTO. Nhưng dưới thời của tôi, khi Trung Quốc đàm phán với các thành viên WTO cũng rất khó khăn. Người ta sẽ đặt câu hỏi tại sao VN có thể gia nhập dễ dàng hơn Trung Quốc. Câu hỏi này đều được đặt ra mỗi khi WTO chấp nhận thành viên mới. Các yêu cầu sẽ ngày càng khó khăn hơn và các cuộc đàm phán sẽ ngày càng gay gắt hơn. Trung Quốc đã gia nhập rất khó khăn thì VN không thể gia nhập dễ hơn Trung Quốc.
Khó khăn là vậy, nhưng gia nhập WTO vẫn là xu thế tất yếu để thuận lợi hơn trong buôn bán quốc tế, đồng thời cho phép mỗi quốc gia có một khuôn khổ để tự bảo vệ lợi ích của mình dựa trên hệ thống luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Đó cũng là cơ sở giải quyết các tranh chấp thương mại mà không phải dựa vào các hiệp định song phương hay khu vực... Đàm phán trở thành thành viên WTO vô cùng khó khăn nhưng tất cả các nước đều phải trải qua để phát triển hệ thống thương mại của nước mình.
- Vậy theo ông, nước nào sẽ là rào cản lớn nhất đối với VN trong tiến trình đàm phán?
- Với tôi, đàm phán gia nhập WTO quan trọng nhất là quan niệm của những người tham gia đàm phán. Khi đàm phán mọi người nghĩ rằng họ đang phải nhân nhượng vì lợi ích của quốc gia khác chứ không phải vì lợi ích của chính mình. Nhưng tôi thì cho rằng bất cứ cuộc đàm phán và nhân nhượng nào đều phục vụ cho lợi ích của cả 2 bên. Ví dụ chúng tôi cho phép các anh xuất khẩu khoảng 20.000 áo phông sang đất nước chúng tôi và ngược lại anh nhập của chúng tôi khoảng 10.000 pound bơ. Như vậy, người New Zealand có cơ hội được dùng hàng dệt may giá rẻ, còn VN được dùng bơ sữa giá rẻ. Thế là có lợi cho 2 bên.
Vì vậy, không thể nói nước nào có thể gây khó khăn lớn nhất cho VN trong quá trình gia nhập. Quan trọng là quan điểm đàm phán của anh ra sao. Đôi khi để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, người ta đã làm những điều mà kết quả lại gây hại cho chính mình. Có thể lấy một ví dụ thực tế trong việc bảo hộ ngành công nghiệp đường. Sự bảo hộ sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp đi mua đường giá rẻ của nước ngoài để bán lại trong nước. Hiện VN đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Điều chúng ta cần là một thị trường mở, minh bạch và có lực lượng mạnh để chống lại tham nhũng, đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế. VN có thể tiến hành các cuộc cải cách kinh tế. Nhưng điều quan trọng là phải nghĩ đổi mới kinh tế cho chính mình chứ không phải vì một nhân nhượng nào đó với Mỹ, Nhật Bản, EU hay bất cứ nước nào.
- Đàm phán song phương giữa VN và New Zealand vẫn chưa hoàn tất, theo ông đâu là trở ngại chính?
- Tôi không tham gia trực tiếp vào vòng đàm phán song phương giữa VN và New Zealand nên tôi không thể nói nhiều. Có một gợi ý thế này, đàm phán song phương VN - New Zealand chưa hoàn tất, nhưng người ta nói một công việc chưa hoàn tất còn tốt hơn công việc đã kết thúc một cách tồi tệ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải sắp tới, chúng tôi sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp VN thị trường New Zealand dễ dàng tiếp cận thế nào.
- New Zealand trước đây được coi là một đối tác đàm phán không quá khó nhưng các vòng đàm phán gần đây không cho thấy như vậy. Một số quốc gia nhỏ khác trong WTO cũng có yếu cầu cao với VN, thậm chí còn cao hơn so với các thành viên trụ cột. Ông nghĩ gì về xu hướng này?
- Bất kỳ nước nào cũng có lợi ích trọng tâm của mình và họ phải bảo vệ. VN, New Zealand và các nước khác cũng vậy thôi. Nhiều người nói New Zealand đã mở cửa rất mạnh cho các nền kinh tế kém phát triển thì sẽ không còn quân bài nào nữa để đem đến bàn thương lượng. Vậy tại sao New Zealand lại phải thương lượng rắn với các nước. Đơn giản vì chúng tôi muốn tốt cho cả 2 bên và đảm bảo sự đoàn kết với tất cả các nước kém phát triển.
- Đến Hà Nội cuối 2001, ông nói VN có thể gia nhập WTO 2 năm sau đó. Vậy theo ông tại sao bây giờ VN vẫn đứng ngoài cuộc?
- Năm 2001 tôi có nói như vậy à? Vị trí của tôi lúc đó khác so với vị trí của tôi bây giờ. Như tôi đã nói bất cứ một cuộc thương lượng nào đạt được thành công hay không còn phụ thuộc vào quan điểm của các bên đàm phán, liệu họ có thoải mái với các cuộc thương lượng đó hay không. Thực tế là chẳng ai biết trước chính xác mọi điều diễn ra trong tương lai. Trước đây chúng tôi cứ ngỡ Nga rất khó trở thành thành viên WTO nhưng bây giờ Nga đã trải qua tất cả các cuộc thương lượng và chuẩn bị thành công. 2001 tôi đến đây và nói rằng VN sẽ gia nhập sau 2 năm. 2003 trở lại tôi cũng có thể nói thế và giờ đây VN cũng có thể đối mặt với 2 năm nữa. Điều đó có vẻ phi lý nhưng rất có thể xảy ra và nó còn phụ thuộc vào quan điểm của các nhà đàm phán và nỗ lực của VN.
- Nếu không kịp gia nhập như mục tiêu đã định, đâu là thách thức đối với nền kinh tế VN?
- Vòng đàm phán Doha diễn ra vào thời điểm mà tôi vẫn còn nhiều công việc liên quan tới WTO, nếu VN có giải pháp hiệu quả và đi đúng đường thì sẽ được lợi rất nhiều từ vòng đàm phán này. Ví dụ với sản phẩm cà phê, nếu không tham gia vào vòng Doha hay các vòng đàm phán khác thì các nhà xuất khẩu cà phê của VN sẽ không thể tham gia thị trường quốc tế bởi những hạn chế do các nước đặt ra. Mỗi nước sẽ có mặt hàng mang tính thế mạnh của họ.
Nếu chưa vào trong năm nay thì rất khó khăn cho VN. Trước hết các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ rất khó khăn. VN sẽ phải hoàn tất các cuộc đàm phán còn dở dang trước khi trở thành thành viên chính thức. Bên cạnh đó, thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với các nước cũng là một vấn đề lớn. Bởi vì các bạn sẽ phải có tòa án độc lập, phải quan tâm tới sở hữu trí tuệ, cải tổ khu vực công. Nếu đã là thành viên, sẽ có hành lang pháp lý chung để thực hiện việc này.
- Có người nói rằng gia nhập WTO không phải là con đường duy nhất để phát triển kinh tế. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Gia nhập WTO không phải là vấn đề bắt buộc. Nhưng khi đã trở thành thành viên tổ chức này, chúng ta sống trong một hệ thống và có những quy luật chung. Những luật lệ đó là cơ sở giải quyết khó khăn và xung đột nếu như các xung đột xảy ra. Gia nhập WTO cũng giúp xóa đói giảm nghèo. Có thể nhìn rõ thực tế này ở Trung Quốc, Ấn Độ hay Singapore. Chúng ta sẽ phải theo một mô hình nhất định và thực hiện theo một trình tự riêng. Bởi nếu làm ngay lập tức một việc gì đó sẽ dẫn đến phá vỡ sự gắn kết xã hội. Tất nhiên một quốc gia có thể chấp nhận vẫn trong tình trạng nghèo đói, đó là lựa chọn của họ.
Song Linh thực hiện