"Tôi thấy một quyết tâm rất lớn của Việt Nam để gia nhập WTO". |
- Việt Nam cần làm gì để sớm gia nhập WTO?
- Trước tiên, Việt Nam phải hoàn thành tài liệu trả lời câu hỏi của các nước thành viên và gửi tới Ban thư ký WTO. Như Thủ tướng Khải thông báo, tài liệu này đã gần như hoàn thành và chậm nhất là trước cuối năm nay sẽ được gửi đi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Việt Nam để xác định những lĩnh vực Việt Nam còn yếu và thiếu, từ đó cùng các tổ chức, cơ cấu khác như Ngân hàng Thế giới tìm cách nâng cao năng lực cho Việt Nam. Nhìn chung, tốc độ đàm phán còn phụ thuộc vào số lượng câu hỏi của các nước thành viên dành cho Việt Nam.
- Đâu là trở ngại khi Việt Nam gia nhập WTO?
- Trở ngại chính là mức độ yêu cầu mở cửa thị trường mà các nước thành viên đặt ra cho Việt Nam và Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu này như thế nào.
- Ông và các quan chức Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận cụ thể nào để thúc đẩy tiến trình đàm phán trong thời gian làm việc ở Hà Nội?
- Thỏa thuận chung nhất mà tôi đạt được trong các cuộc tiếp xúc là nhất trí tiếp tục đẩy đàm phán. Thời điểm Việt Nam gia nhập WTO còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán, nhưng cá nhân tôi sẽ thật thất vọng nếu như không thấy Việt Nam có mặt với tư cách thành viên tại bàn đàm phán của hội nghị bộ trưởng hai năm tới.
- Điều gì khiến ông đưa ra mốc thời gian là hai năm?
- Trong các cuộc gặp gỡ với quan chức, tôi thấy một quyết tâm rất lớn của Việt Nam để gia nhập WTO và Việt Nam cũng rất tự tin. Tín hiệu rõ ràng nhất là Việt Nam sắp thực thi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, đệ trình bản chào hàng hóa và dịch vụ trong thời gian tới và có nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực của Việt Nam... Tôi nghĩ là hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào mục tiêu này. Tuy nhiên, quá trình đàm phán là hết sức khó khăn, liên quan đến nhiều lĩnh vực như xây dựng, thực thi chính sách, ngân sách, quản lý thương mại qua biên giới.... Và điều hết sức quan trọng là khi tham gia WTO, các nước phải rất nghiêm túc khi đưa ra các cam kết. Đã cam kết thì phải thực hiện đúng như vậy.
- Việc thực thi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ tạo điều kiện gì để Việt Nam gia nhập WTO?
- Tạo niềm tin cho Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại với các thành viên trong WTO. Đặc biệt mang lại nhiều kinh nghiệm trong việc thực thi các cam kết thương mại, giúp Việt Nam hình dung được hệ thống thương mại đa biên. Nhưng WTO bao gồm 144 thành viên, vì vậy những gì đàm phán với Mỹ vẫn phải đàm phán với các nước.
- Mở cửa thị trường viễn thông là một trong những trọng tâm của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Vấn đề này được đề cập như thế nào trong các cuộc đàm phán tiếp theo với các thành viên WTO và Việt Nam có thể học kinh nghiệm gì từ các nước như Trung Quốc về vấn đề này?
- Bây giờ chưa phải là lúc bàn sâu về chi tiết. Dù vậy tôi đã nói với các bộ trưởng Việt Nam rằng, Hiệp định Việt - Mỹ quan trọng nhưng mới chỉ là cơ sở, còn các nước thành viên WTO có thể đòi hỏi nhiều hơn nữa trong quá trình đàm phán song phương.
Việt Nam nộp đơn gia nhập WTO vào tháng 1/1995, đến nay đã qua 4 vòng đàm phán về minh bạch hóa chính sách (trả lời hơn 1.500 câu hỏi của các nước thành viên về chính sách thương mại của Việt Nam). Hiện nay, bản chào đầu tiên về hàng hóa và dịch vụ (thực chất là đàm phán về mở cửa thị trường) đã được Bộ Thương mại trình Chính phủ xem xét chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo (vòng đàm phán đầu tiên về hàng hóa và dịch vụ dự kiến diễn ra đầu năm 2002). Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO hiện đã nhận được bản yêu cầu đàm phán của 9 nước thành viên WTO đối với một số loại hàng hóa và dịch vụ. |
(Theo Tuổi Trẻ)