Bắc Kinh và New Zealand đều tuyên bố không còn ca nhiễm Covid-19 từ giữa tháng 6, nhịp sống quay lại bình thường. Trường học, cửa hiệu mở cửa, con người đi làm lại và bắt đầu giao tiếp xã hội. Nhưng nhịp sống bình thường này không duy trì lâu.
Từ tuần trước, nhiều khu vực thuộc thủ đô Trung Quốc lại quay về "thời chiến" sau hàng loạt ca nhiễm liên quan tới chợ đầu mối nông sản lớn nhất thành phố. Chính quyền lại áp lệnh hạn chế, người dân bị cấm rời khỏi thành phố, trường học đóng cửa.
Ở New Zealand, hai phụ nữ người Anh được phép bay tới để gặp người thân được phát hiện dương tính với nCoV trong lần cuối xét nghiệm, sau khi hết thời gian cách ly.
Dịch tái bùng phát khiến các nhà lãnh đạo hai nước đối mặt lựa chọn khó khăn, nếu muốn duy trì thành công nhờ ngăn ngừa dịch lây lan bằng việc cách ly khỏi thế giới theo cách chưa từng có trong thời kỳ hiện đại.
"Họ có thể giữ cho bệnh dịch không lây lan nhưng sẽ đòi hỏi những người di chuyển tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng tránh dịch", giáo sư Lindsay Wiley, giám đốc Chương trình Chính sách và Luật Y tế, Học viện Luật, Đại học Washington, Mỹ, nói.
"Việc xét nghiệm người dân nhập cảnh có thể không hiệu quả trước nguy cơ ủ bệnh và âm tính giả. Nhưng về lâu dài, việc cách ly sẽ gây trở ngại cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch, đồng thời cũng gây ảnh hưởng tới ngành du lịch".
Hiện biên giới Trung Quốc và New Zealand chỉ mở cửa với công dân nước mình và một số ít công dân nước ngoài được quyền miễn trừ đặc biệt. Cả hai đối tượng đều phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Ngay cả khi dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, nó cũng ngăn cản các chuyến vui chơi hoặc công tác ngắn ngày.
Người dân Bắc Kinh và New Zealand phần lớn bị cắt đứt với thế giới. Những người sẵn sàng mạo hiểm ra nước ngoài cũng phải cách ly hai tuần khi trở về. Cả hai nước đều tiến hành xét nghiệm diện rộng và nỗ lực truy vết những người có khả năng tiếp xúc với người nhiễm. New Zealand hủy bỏ mọi ngoại lệ theo quy định kiểm dịch.
Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp bổ sung để bảo vệ thủ đô từ khi dịch bắt đầu nhiều tháng trước. Bắc Kinh không chỉ là nơi sinh sống của những lãnh đạo cao tuổi nhất đất nước, mà nó còn mang tính biểu tượng quan trọng. Sự nhạy cảm ấy thể hiện rất rõ ràng: vài ngay sau khi dịch bùng phát, quân đội lập tức triển khai quanh chợ đầu mối.
Hàng trăm nghìn người được xét nghiệm, hơn 100 ca nhiễm được phát hiện, chính quyền gọi dịch đang bùng phát "cực kỳ nghiêm trọng", nâng mức cảnh báo lên cấp hai trong thang bốn cấp, ra lệnh đóng cửa mọi trường học, hạn chế di chuyển khỏi thành phố.
Không giống ca nhiễm mới ở New Zealand, Bắc Kinh chưa phát hiện nguồn lây làm dấy lên lo ngại về cách dịch tái phát bởi đã gần 60 ngày từ khi thành phố xuất hiện ca nhiễm mới.
Báo cáo sơ bộ cho thấy mẫu lây có thớt của một người bán cá hồi nhập khẩu, khiến món cá bị người dân tẩy chay, dỡ khỏi các quầy hàng siêu thị và nền tảng bán hàng trực tuyến, dù chưa thể chứng minh nó là nguồn lây.
Việc quay lại thời kỳ kiểm soát dịch nghiêm ngặt sẽ là đòn giáng nữa vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang điêu đứng vì Covid-19. Phong tỏa khiến nền kinh tế tăng trưởng trong nhiều thập kỷ nay chững lại, sau nhiều sự kiện ảnh hưởng tới phát triển như dịch SARS năm 2002 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Duy trì đóng cửa biên giới có thể đẩy nhà đầu tư nước ngoài tìm đến những nước khác mở nhà máy sản xuất hoặc tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, không phải mọi thứ sản xuất ở Trung Quốc đều dễ dàng chuyển ra nước ngoài.
"Cuối cùng, những nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tính toán thật kỹ", giáo sư Steve Tsang, giám đốc viện nghiên cứu Trung Quốc Soas tại vương quốc Anh, nói. "Với nhiều người, Trung Quốc vẫn là địa điểm hấp dẫn".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)