Cá hồi bị đưa khỏi kệ hàng trong các siêu thị và nền tảng giao hàng trực tuyến trên khắp các thành phố lớn của Trung Quốc trong những ngày qua. Các chuyên gia hàng đầu cũng cảnh báo người dân không nên tiêu thụ loại cá này.
Việc tẩy chay diễn ra sau khi trưởng ban quản lý chợ Tân Phát Địa, chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á ở thủ đô Bắc Kinh và là cụm dịch ghi nhận khoảng 130 ca nCoV, nói rằng virus được phát hiện trên thớt của một người bán cá hồi nhập khẩu tại chợ.
"Chúng tôi chưa thể xác định liệu con người truyền virus sang cá hồi hay cá hồi nhiễm virus từ trước", Zeng Guang, một chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 14/6. Ông cũng cảnh báo người dân Bắc Kinh không ăn cá hồi sống hoặc mua hải sản nhập khẩu trong lúc này.
Wu Zunyou, nhà dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết nCoV có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm đông lạnh tới ba tháng và cơ quan này nghi ngờ hàng hóa bị nhiễm virus là nguồn gốc đợt bùng phát dịch mới nhất ở Bắc Kinh.
Dù không rõ liệu virus có thể thực sự lây truyền qua thực phẩm đông lạnh hay không, việc tẩy chay cá hồi phản ánh nỗi sợ hãi ngày càng tăng ở Trung Quốc đối với sự bùng phát trở lại các ca nhiễm ở Bắc Kinh, trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước và là nơi cư trú của 20 triệu người.
Chính quyền Bắc Kinh đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ hai, phong tỏa một phần thành phố, đóng cửa toàn bộ trường học, địa điểm thể thao và giải trí tỏng nhà. Quan chức địa phương cũng đang chạy đua truy vết tiếp xúc những người từng đến hoặc có liên hệ với chợ Tân Phát Địa.
Giới chức Trung Quốc đã liên hệ với Na Uy để tìm kiếm thêm thông tin về nguy cơ lây nhiễm nCoV liên quan tới cá hồi. Bộ trưởng Thủy sản Na Uy Odd Emil Ingebrigtsen cho biết nước này sẽ tìm cách trả lời Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Nhu cầu tiêu thụ cá hồi ở Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây do thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng lên và chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Thị trường cá hồi nhập khẩu ở Trung Quốc trị giá tới 700 triệu USD với 4 nhà xuất khẩu lớn gồm Quần đảo Faroe của Chile, Na Uy, Australia và Đan Mạch. Tẩy chay cá hồi là một đòn giáng khác đối với các nhà xuất khẩu vốn đã chịu doanh số giảm tới hơn 30% trong 4 tháng đầu năm do Covid-19.
Huyền Lê (Theo Bloomberg)