Ngày 16/7, Công ty Công nghệ Sinh học Quốc gia SinoVac Biotech thông báo nhiều nhân viên, bao gồm 30 giám đốc điều hành, đã tình nguyện tiêm thử vaccine ngừa Covid-19 trước khi được chính phủ phê duyệt thử nghiệm trên người.
Hãng tuyên bố hành động này nhằm hỗ trợ cho công tác đẩy lùi Covid-19. Theo SinoVac, 30 tình nguyện viên đặc biệt đã "xắn tay áo" ngay khi vaccine hoàn thành quá trình điều chế và đánh giá trong phòng thí nghiệm. Trên trang web chính thức, công ty đăng tải một bài viết nhấn mạnh "tinh thần hy sinh" vì khoa học, kèm hình ảnh của 7 người đàn ông, trong đó có các nhà khoa học, doanh nhân và quân nhân tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ, cho biết việc các lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ tình nguyện thử nghiệm vaccine có thể khiến nhân viên khác cảm thấy gánh nặng, áp lực phải tham gia chương trình tiêm chủng dù không muốn.
"Điều này là vi phạm nguyên tắc đạo đức", ông nói.
Dù được coi như sự hy sinh anh hùng hay hành động trái với các tiêu chuẩn y đức quốc tế, động thái trên nhấn mạnh tham vọng lớn của SinoVac, và cả Trung Quốc, nhất là khi nước này đang trong cuộc chạy đua với các siêu cường khác, bao gồm Mỹ và Anh, để trở thành quốc gia đầu tiên phát triển thành công vaccine ngừa nCoV, đặt dấu chấm hết cho đại dịch. Đây có thể được coi là kỳ tích khoa học và chiến thắng về cả mặt chính trị.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã xác định ưu thế của mình trong việc điều chế và phát triển vaccine. Nước này sở hữu 8 trong số gần 20 "ứng viên" tiềm năng, ở trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau tại nhiều quốc gia. SinoPharm (công ty mẹ của SinoVac) và một hãng dược khác cho biết họ đang bước vào khâu nghiên cứu cuối cùng.
Động thái của SinoVac nhằm nhấn mạnh thông điệp các sản phẩm của công ty đều an toàn. Song, hãng chưa nhắc đến tác dụng phụ có thể xảy ra.
Thực tế, sau khi vaccine được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng, công ty đã đưa ra lời đề nghị hấp dẫn đối với các nhân viên của PetroChina - tập đoàn dầu mỏ lớn nhất đất nước: "Hãy trở thành người đầu tiên ở Trung Quốc tiêm phòng Covid-19". Nhân viên và các lãnh đạo có thể chọn một trong hai loại vaccine để sử dụng khẩn cấp, tự bảo vệ bản thân khi đi công tác nước ngoài.
Đây là những thử nghiệm không chính thức. Như vậy, người tham gia sẽ trở thành "chuột bạch" bên ngoài các dự án lâm sàng được chính phủ chấp thuận. Việc sử dụng khẩn cấp như vậy là rất hiếm gặp. Thông thường, vaccine chưa qua phê duyệt chỉ dành cho các y bác sĩ, những người tiếp xúc mầm bệnh hằng ngày, có nguy cơ lây nhiễm quá cao
Lời đề nghị của SinoVac được "bật đèn xanh bởi" nhà nước Trung Quốc. Giới chức nước này liên tục nhấn mạnh, các dữ liệu cho thấy sản phẩm an toàn đối với người sử dụng.
"Tôi không cho rằng điều này là đúng về mặt y đức", Joan Shen, giám đốc điều hành I-Mab Biopharma, hãng dược có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định.
Việc thử nghiệm bên ngoài quy trình phê duyệt thông thường được coi là con đường không chính thống, phản ánh thách thức lớn của Trung Quốc trong công cuộc phát triển vaccine.
Thử nghiệm ở PetroChina diễn ra song song với quy trình chính quy đang tiến hành tại Brazil và các nước khác. Tuy nhiên, chiến lược kép này có nguy cơ thất bại cả về mặt khoa học và chính trị, làm suy yếu các nỗ lực khẳng định lại vị thế của đại lục.
Đây cũng không phải những "lối tắt’ duy nhất mà Trung Quốc đang đi. Cuối tháng 6, chính phủ nước này cho phép quân đội tiêm một loại vaccine thử nghiệm được công ty khác là CanSino Biologics điều chế, bỏ qua khâu thử nghiệm cần thiết cuối cùng. Công ty hiện vẫn đang đàm phán với 4 quốc gia về việc thực hiện giai đoạn đó.
Hồi tháng 3, một số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm bước đầu cho biết họ được tiêm thử vaccine ngày 29/2, trước khi giới chức y tế chấp nhận cho các chuyên gia làm điều này.
Viện Khoa học Quân y và Tiến sĩ Chen Wei, người đứng đầu nghiên cứu, đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Xét ở mức độ khoa học, việc tiêm thử vaccine cho giám đốc và nhân viên các công ty để ngừa Covid-19 trong những chuyến công tác nước ngoài cũng vấp phải nhiều tranh cãi.
Yang Zhanqiu, chuyên gia virus Đại học Vũ Hán tỏ ra hoài nghi về phương pháp này.
"Nó không hề hợp lý vì thời lượng các nhân viên đi nước ngoài không giống nhau, địa điểm khác biệt, việc theo dõi và giám sát cũng chẳng dễ dàng gì. Có thể nói đây chỉ là một liều thuốc tâm lý", ông nhận định.
Bên cạnh đó, các thử nghiệm thế này không giúp công ty xóa bỏ rào cản pháp lý, cũng không phải một phần của các chương trình chính thức. Chủ yếu, họ sử dụng nó để trấn an dư luận, rằng sản phẩm của mình đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Thục Linh (Theo NY Times, AP)