John Shing-Wan Leung, người mang hộ chiếu Mỹ và là thường trú nhân Hong Kong, "bị kết tội gián điệp, lĩnh án tù chung thân và bị tước quyền chính trị trọn đời", theo phán quyết ngày 15/5 của Tòa Nhân dân Trung cấp thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô.
Leung bị giới chức Trung Quốc bắt vào tháng 4/2021 tại Tô Châu, thành phố giáp Thượng Hải. Ngoài bản án trên, Leung còn bị tòa án Tô Châu tịch thu tài sản cá nhân trị giá 500.000 nhân dân tệ (72.000 USD).
Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh nói họ đã biết thông tin về bản án đối với Leung. Phát ngôn viên sứ quán từ chối bình luận cụ thể nhưng nhấn mạnh "Bộ Ngoại giao Mỹ không có ưu tiên nào lớn hơn sự an toàn và an ninh của công dân Mỹ ở nước ngoài".
Những bản án nặng như thế này tương đối hiếm đối với công dân nước ngoài ở Trung Quốc. Phán quyết của tòa án Tô Châu có khả năng làm tổn hại thêm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ở mức thấp nhất nửa thế kỷ qua, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về thương mại, công nghệ, địa chính trị và uy thế quân sự. Giới chức hai nước đang nối lại các cuộc tiếp xúc cấp cao kể từ khi tranh cãi về khí cầu Trung Quốc cản trở nỗ lực hàn gắn quan hệ hồi đầu năm.
Trung Quốc tháng trước sửa đổi luật chống gián điệp để mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, nhằm "cấm chuyển giao bất kỳ tài liệu, thông tin, vật liệu hoặc vật thể nào liên quan an ninh hoặc lợi ích quốc gia". Theo luật, tội gián điệp đe dọa an ninh quốc gia có thể dẫn đến án tù từ 10 năm đến chung thân.
Cùng tháng đó, giới chức truy tố nhà báo nổi tiếng Trung Quốc Dong Yuyu về cáo buộc gián điệp, hơn một năm sau khi ông này bị bắt khi đang ăn trưa với một nhà ngoại giao Nhật Bản tại nhà hàng ở Bắc Kinh. Nhà ngoại giao Nhật Bản được thả sau vài giờ thẩm vấn.
Một trường hợp đáng chú ý gần đây liên quan việc bắt giam công dân Nhật Bản làm việc cho nhà sản xuất dược phẩm Astellas Pharma ở Trung Quốc hồi tháng 3. Người đàn ông ngoài 50 tuổi bị bắt tại Bắc Kinh vì cáo buộc vi phạm luật pháp Trung Quốc. Quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho ông này.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP, CNN)