"Ngày 4/2, ngay sau khi bắn hạ khí cầu Trung Quốc, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu tiến hành cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa", chuẩn tướng Pat Ryde, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm 7/2 cho hay. "Thật không may, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục duy trì cam kết mở đường dây liên lạc".
Trung Quốc hiện chưa bình luận về thông tin này.
Quân đội Mỹ quyết định bắn hạ khí cầu Trung Quốc ngoài khơi thành phố Surfside Beach, Nam Carolina với cáo buộc đây là thiết bị do thám. Trung Quốc cho biết đó là khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng bay lạc vào lãnh thổ Mỹ.
Khí cầu đi vào không phận Mỹ ngày 28/1, di chuyển sang không phận Canada ngày 30/1 rồi trở lại không phận Mỹ ngày 31/1. Tới ngày 2/2, giới chức Mỹ mới công bố sự hiện diện của khí cầu trên lãnh thổ.
Ông Austin và ông Ngụy gặp nhau tại Campuchia tháng 11 năm ngoái, khi Washington và Bắc Kinh tìm cách hạ nhiệt căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện lúc đó là Nancy Pelosi. Nhưng sự cố khí cầu đã làm gia tăng căng thẳng và khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh.
Bất chấp căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, giới chức quân sự Mỹ từ lâu đã tìm cách duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với đối tác Trung Quốc để giảm thiểu nguy cơ bùng phát tiềm ẩn hoặc đối phó bất kỳ sự cố nào. Tuy nhiên, Trung Quốc từng từ chối yêu cầu đối thoại của ông Austin, trước khi hai bộ trưởng gặp nhau lần đầu tháng 6/2022.
Tổng thống Joe Biden hôm 6/2 bảo vệ quyết định đợi cho đến khi khí cầu đi qua đất nước mới bắn hạ, nói rằng Bộ Quốc phòng kết luận tốt nhất nên bắn hạ khi khí cầu ở trên mặt nước. Ông Biden cũng khẳng định sự việc không ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ - Trung.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cùng ngày cho biết các biện pháp đã được thực hiện để "giảm thiểu" khả năng do thám của khí cầu trong quá trình bay, đồng thời "tăng cường và cải thiện khả năng thu thập thông tin từ nó".
Giới chức Mỹ dự kiến đưa xác khí cầu Trung Quốc đến phòng thí nghiệm ở Quantico, bang Virginia, để các chuyên gia FBI và cơ quan tình báo phân tích. Họ không có ý định trả lại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/2 nói khí cầu "không thuộc về Mỹ" và tuyên bố Bắc Kinh "sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp".
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)