Mọi đặc quyền đặc lợi dần dần biến mất từ khi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, thực thi chính sách chống tham nhũng quy mô lớn và thắt lưng buộc bụng trong khoảng hai năm trở lại đây.
"Công việc của chúng tôi trở nên bận rộn hơn, kỳ vọng đối với chúng tôi cũng cao hơn, nhưng mọi đặc quyền thì bị tước mất và lương cũng không tăng", Sunday Times dẫn lời bà Cao chia sẻ. Bà là người có 18 năm kinh nghiệm, chuyên xử lý đơn kiến nghị của dân chúng trong tranh chấp với cơ quan chính phủ. Thu nhập của bà chỉ hơn 600 USD mỗi tháng.
Trung Quốc có khoảng 7,6 triệu công chức. Tất cả đều có cuộc sống dễ thở trước khi ông Tập lên nắm quyền cuối năm 2012 và đặt nhiệm vụ chống tham nhũng làm ưu tiên hàng đầu.
Đặc quyền đặc lợi là thứ đầu tiên bị tước bỏ. Các quan chức không còn được sử dụng xe công vụ cho mục đích cá nhân, không còn được thoải mái du lịch nước ngoài dưới vỏ bọc những chuyến đào tạo chuyên môn. Họ phải từ bỏ cả tư cách hội viên danh giá của các câu lạc bộ tư nhân thượng lưu. Tuy nhiên, dường như mọi việc chưa dừng lại ở đó bởi người ta có thể chắc chắn một điều ông Tập vẫn muốn đưa chiến dịch chống tham nhũng và tiết kiệm đi xa hơn nữa.
Chiến dịch này gần đây có những bước đi cứng rắn khi cơ quan kỷ luật đảng trung ương ra lệnh điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Trước đó ông Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương cũng bị khai trừ khỏi đảng vì những tội danh liên quan đến tham nhũng.
Tháng trước, Trung Quốc tăng cường chính sách tiết kiệm bằng việc cải cách các điều luật liên quan đến sử dụng xe công, một biểu tượng quan trọng của quyền lực và địa vị. Quan chức chính quyền trung ương thuộc các cấp dưới thứ trưởng sẽ không được phép dùng xe công vào năm tới, thay vào đó họ được hưởng khoản trợ cấp đi lại hàng tháng từ 80 USD đến 200 USD.
Trước kia, khi được hỏi về tính lâu dài của chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, trong số 8 quan chức mà Sunday Times phỏng vấn, hầu hết đều cho rằng nó không thể tồn tại quá một năm. Đến nay, chiến dịch này đã gần được gần hai năm và gây nên nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Những nỗi lo âu mới
Nhiều viên chức lo rằng việc mất đi các đặc quyền, thứ bổ sung cho mức lương không lấy gì làm cao, sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ. Bên cạnh đó, nguy cơ bị kỷ luật nếu không hoàn thành tốt công việc, bị phát hiện nhận quà biếu hay vung tiền ngân sách thái quá cũng khiến họ đau đầu.
Người đứng đầu một ủy ban cấp huyện ở miền bắc tỉnh Thiểm Tây, xin được giấu tên, nói việc ông ChuVĩnh Khang và tướng Từ Tài Hậu ngã ngựa gây nhiều áp lực lên các cán bộ như ông. "Chắc chắn căng thẳng sẽ tăng lên nhiều lần. Chúng tôi phải hết sức cẩn thận trong công việc và đảm bảo tuân thủ các quy định thật chặt chẽ".
Một luật sư từng làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cho biết các nhân viên ở đây thậm chí còn không dám ăn mừng sau khi ký kết được một hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD. "Mọi người chỉ tới nhà ăn của công ty để dùng bữa. Rõ ràng người ta không tổ chức tiệc bởi họ dần trở nên thận trọng hơn".
Một giám đốc điều hành của Singapore gần đây mua một số bánh để tặng đối tác Trung Quốc của mình. Khi nhìn thấy ông này đến cùng món quà, các nhân viên người Trung Quốc trở nên hoảng sợ và lập tức đưa vị giám đốc vào văn phòng để không ai nhìn thấy. Họ nói tuy biết ông không có ý hối lộ nhưng hành động đó có thể khiến họ bị hiểu nhầm và lâm vào rắc rối. Câu chuyện này là ví dụ cho thấy tâm lý hoảng loạn lan rất rộng trong giới quan chức Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn ủng hộ chiến dịch của Chủ tịch Tập Cận Bình. Người ta cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng đạt được mục đích đề ra là cải thiện hình ảnh của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như các quan chức chính phủ. Chiến dịch chống tham nhũng giúp thanh lọc nội bộ đảng cùng các phe phái, đối thủ chính trị của ông Tập. Điều này giúp thúc đẩy tiến độ công cuộc cải cách.
Một công dân Trung Quốc giấu tên, 29 tuổi, làm việc cho doanh nghiệp nhà nước nói, đối với cô và đồng nghiệp, chiến dịch chống tham nhũng được nhìn nhận rất tích cực bởi "nó loại bỏ sự rườm rà, thiếu hiệu quả trong hệ thống chính quyền".
"Chúng tôi không lo bị mất việc làm bởi những người làm cùng chúng tôi đều trong sạch và chúng tôi có niềm tin rằng mình đang thực sự cống hiến cho đất nước", Sunday Times dẫn lời cô nói. Tuy nhiên, cô gái vẫn cẩn thận thêm rằng "Chúng tôi phải lưu lại giấy tờ cụ thể để minh chứng cho những gì chúng tôi làm để không xảy ra bất đồng".
Mặt khác, nhiều người lại lo ngại chiến dịch của ông Tập có thể mang đến những tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Các quan chức nước này năm ngoái cắt giảm chi tiêu hơn 50 tỷ USD so với 2012. Động thái này dẫn tới sự sa sút trong lĩnh vực bán lẻ và đầu tư bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Alastair Chan của Moody's Analytics tháng trước cho biết chiến dịch truy quét tham nhũng khiến giao dịch trong thị trường nhà ở giảm mạnh, đồng thời hạn chế cả việc xây dựng các tòa nhà sang trọng quá mức phục vụ chính quyền địa phương.
"Đây có thể là nguyên nhân khiến GDP giảm từ 9,3% trong năm 2011 xuống còn 7,7% trong năm 2012 và 2013", ông nói thêm.
Các quan chức chính phủ Trung Quốc đang đua nhau bỏ việc để tham gia vào khu vực kinh tế tư nhân hay thậm chí tự tử vì bị điều tra kỷ luật. Điều này là dấu hiệu của việc nỗi lo lắng về tinh thần đang gia tăng. Thống kê chính thức cho thấy hiện nay số người nộp đơn xin việc vào các cơ quan nhà nước có xu hướng giảm.
Người Trung Quốc thường dùng cụm từ "bát cơm sắt" để ám chỉ các công việc được đảm bảo với thu nhập và lợi ích ổn định như công nhân, viên chức nhà nước.
Xiang, công chức ở Bắc Kinh, 28 tuổi, nói sang năm anh sẽ bỏ công việc nhân viên kế toán của mình. "Bát cơm sắt đang bị đập vỡ. Tốt nhất nên từ bỏ trước khi quá muộn", Xiang nói.
Vũ Hoàng (theo Straits Times)