Tuần trước, Mỹ cảnh báo cộng đồng doanh nghiệp nước này về những rủi ro ngày càng tăng khi hoạt động ở Hong Kong. Các cơ quan chính phủ thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các doanh nhân rằng họ đối mặt với những rủi ro lớn từ việc Trung Quốc đưa ra luật an ninh mới với đặc khu cách đây một năm. Mỹ nói rằng luật này có thể "ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động ở Hong Kong".
Trong tuyên bố ra ngày 23/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích động thái này được thiết kế để "bôi nhọ môi trường kinh doanh của Hong Kong một cách vô căn cứ" và "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế".
Để đáp trả, Trung Quốc tuyên bố áp biện pháp trừng phạt với 7 cá nhân và thực thể Mỹ bao gồm Wilbur Ross, bộ trưởng thương mại dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Khi còn đương nhiệm, Ross đã mở rộng danh sách các công ty không thể giao dịch với doanh nghiệp Mỹ mà không có giấy phép, bao gồm những "gã khổng lồ" viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE.
Những người khác bị trừng phạt bao gồm Carolyn Bartholomew, chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, Adam King từ Viện Cộng hòa Quốc tế và Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Hội đồng Dân chủ Hong Kong có trụ sở tại Washington, thực thể nằm trong danh sách trừng phạt, gọi lệnh trừng phạt là "huy hiệu danh dự". "Đó là sự xác thực tuyệt nhất về điều chúng tôi đang đấu tranh cho", Samuel Chu, giám đốc của nhóm, công dân Mỹ đã bị giới chức Hong Kong phát lệnh bắt, nói.
Tuyên bố của Trung Quốc không cho biết chi tiết về hình thức trừng phạt.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã trở nên tồi tệ trên nhiều mặt, bao gồm nhân quyền, thương mại, an ninh mạng và nguồn gốc đại dịch Covid-19. Động thái của Bắc Kinh diễn ra trước chuyến công du Trung Quốc vào cuối tuần của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. Bà là quan chức Mỹ cấp cao nhất đến Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Phương Vũ (Theo AFP)