Một cư dân ở Thành Đô, tây nam Trung Quốc, gần đây đăng trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng đàn mèo của cô đã bị tiêu hủy sau khi giới chức y tế đưa cô tới khu cách ly tập trung để điều trị Covid-19.
Một phụ nữ ở Cáp Nhĩ Tân hồi tháng 9 đăng trên Weibo rằng các nhân viên cộng đồng giết ba con mèo của cô sau khi chúng dương tính với nCoV. Những người này cho biết không có cách nào điều trị cho động vật nhiễm nCoV và tiêu hủy là cách duy nhất.
"Nếu thú cưng dương tính với nCoV, chúng không thể quay lại bình thường và cả khu dân cư cũng thế, dịch bệnh sẽ không bao giờ kết thúc", một nhân viên cộng đồng Cáp Nhĩ Tân cho biết trên truyền thông địa phương.
Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược "không Covid". Khi xảy ra bất cứ đợt bùng phát nào, giới chức địa phương triển khai xét nghiệm diện rộng, truy vết tiếp xúc và phong tỏa các khu dân cư để ngăn dịch lây lan.
Dân Trung Quốc nhìn chung vẫn chấp nhận chiến lược "không Covid", song nhiều người ngày càng cảm thấy mệt mỏi với những đợt phong tỏa lẫn cách xử lý mạnh tay của giới chức địa phương, trong đó có cách xử lý thú cưng của người nhiễm.
Lisa Li, một phụ nữ sống ở Bắc Kinh, tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, khẳng định sẽ tự đóng cửa với thế giới bên ngoài nếu xảy ra một đợt bùng phát tại khu cô sống. "Nếu tôi mắc Covid-19, chuyện gì sẽ xảy ra với con mèo của tôi? Liệu nó có chết đói hay bị giết khi tôi đi cách ly hay không", Li nói.
Li cho biết cảm thấy bức xúc vì những vụ tiêu hủy thú cưng. "Chưa có bằng chứng y tế hoặc căn cứ pháp lý nào cho việc tiêu hủy những con vật này, điều đó hết sức vô nhân đạo", Li nói.
Các chủ sở hữu thú cưng đang đưa ra kiến nghị trực tuyến, kêu gọi chính quyền địa phương đưa ra chính sách rõ ràng hơn với vật nuôi của người mắc Covid-19. Họ kêu gọi nhau quay video bằng chứng các viên chức tiêu hủy vật nuôi, kêu gọi giúp đỡ qua mạng xã hội và truyền thông địa phương, yêu cầu được cách ly cùng thú cưng của họ.
Một số đặt câu hỏi về quy định pháp lý mà giới chức địa phương dựa vào để tiêu hủy thú cưng của họ. Luật pháp Trung Quốc quy định có thể tiêu hủy động vật hoang dã hoặc gia súc bị nhiễm bệnh trong đại dịch, nhưng chó mèo không được coi là gia súc.
Khi được hỏi giới chức Thành Đô đang tuân theo quy định nào khi tiêu hủy đàn mèo của người dân, một viên chức cho biết họ đang chờ chỉ đạo rõ ràng hơn từ trung ương và cho rằng thay vì chất vấn chính quyền, mọi người "nên đọc kỹ các chính sách hiện hành".
Chưa có bằng chứng cho thấy thú cưng có thể lây truyền nCoV. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đánh giá nguy cơ động vật truyền nCoV sang người "là thấp". "Nếu một người trong nhà mắc Covid-19, hãy cách ly người đó với tất cả những người và động vật khác trong gia đình", CDC Mỹ cho biết.
Truyền thông Trung Quốc cũng ủng hộ cách đối xử khoan hồng hơn đối với thú cưng nhiễm bệnh. Tờ Life Times thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi công chúng không hoảng sợ trước nguy cơ thú cưng làm lây lan virus. "Trong đại dịch, thú cưng cũng là nạn nhân của virus như con người", Life Times đưa tin.
Tuy nhiên, khi chưa có chính sách rõ ràng hơn, những người như Li chỉ biết tự dựa vào bản thân để bảo vệ thú cưng của mình. "Trung Quốc chưa có luật bảo vệ thú cưng, do đó chưa có cơ hội để đấu tranh cho chúng. Cái chết của chúng chỉ có tác dụng cảnh báo chủ chó mèo từ bây giờ phải cẩn thận hơn".
Trung Quốc đang đối phó với đột bùng phát mới với hơn 1.000 ca nhiễm cộng đồng trên khắp 21 tỉnh thành, khiến đây trở thành làn sóng lây nhiễm rộng nhất sau khi Covid-19 bùng phát lần đầu tại Vũ Hán.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)