Tàu sân bay Sơn Đông được biên chế tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam hôm 17/12. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo và là tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, sau Liêu Ninh. Việc biên chế Sơn Đông giúp đưa Trung Quốc vào nhóm số ít các quốc gia có nhiều hơn một tàu sân bay, trong đó có Mỹ và Anh. Bắc Kinh còn được cho là đang bắt tay chế tạo tàu sân bay thứ ba.
Báo People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết Sơn Đông sẽ chú trọng tuần tra ở Biển Đông thay vì huấn luyện như Liêu Ninh.
Giới quan sát đánh giá động thái này chủ yếu nhằm phô diễn sức mạnh và gửi thông điệp cảnh báo tới Nhật, Mỹ cùng Đài Loan.
Như là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, hải quân và không quân Trung Quốc những năm gần đây liên tục tiến hành các cuộc tập trận "thông thường" nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên Tây Thái Bình Dương, khiến Lực lượng Phòng vệ trên Không Nhật Bản phải chạy đua với tốc độ kỷ lục.
Hai tàu sân bay Trung Quốc đủ sức khiến Nhật Bản "bận rộn". Tokyo vốn đang dành sự tập trung lớn hơn cho Liêu Ninh, hiện đóng tại thành phố Thanh Đảo, phía bắc Trung Quốc. Nhưng giờ đây họ lại phải "để mắt tới một tàu sân bay khác ở phía nam", Collin Koh, nhà phân tích tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận xét.
Một số nhà quan sát cho rằng tàu sân bay đã trở nên lỗi thời trong thời đại của tên lửa siêu thanh siêu chính xác, mà Trung Quốc cũng sở hữu. Tuy nhiên, số khác lại khẳng định chúng vẫn là công cụ răn đe mạnh mẽ. Tàu sân bay mới vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho thanh thế của Trung Quốc, vừa là công cụ để nước này minh chứng cho năng lực quân sự thực chất.
"Trung Quốc từ lâu đã than vãn về việc họ là quốc gia duy nhất trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có tàu sân bay (chế tạo trong nước)", Koh nói. "Năng lực tàu sân bay là công cụ để Trung Quốc cho thấy năng lực quân sự đang phát triển tương xứng với tầm vóc kinh tế và ngoại giao cũng đang mở rộng nhanh chóng của họ".
Theo Koh, tàu sân bay có thể cũng mang đến cho giới lãnh đạo Trung Quốc những lựa chọn chính trị. "Bắc Kinh đã học được nhiều từ cách Mỹ sử dụng tàu sân bay trong thời bình lẫn thời chiến", Koh bình luận.
Ông đề cập tới việc Mỹ sử dụng tàu sân bay USS Nimitz và USS Independence như là "đội cứu hỏa" trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Khi đó, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa nhằm gây áp lực tới cuộc bầu cử lãnh đạo của Đài Loan. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra lệnh điều chiến hạm tới khu vực xung quanh Đài Loan nhằm truyền thông điệp tới Bắc Kinh. Đây được coi là cuộc phô diễn sức mạnh lớn nhất ở châu Á kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.
Thông điệp đó luôn khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Bắc Kinh đã rót không ít tiền của vào nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân tầm cỡ thế giới. Chi phí khổng lồ của chương trình phát triển tàu sân bay cho thấy với Trung Quốc, tàu sân bay mới không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
Giống Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được tân trang lại từ tàu lớp Kuznetsov Liên Xô, Sơn Đông được đặt tên theo một tỉnh ở phía bắc nước này. Con tàu dùng cơ chế cất cánh cầu nhảy (STOBAR) thay vì máy phóng hơi nước (CATOBAR) hay hiện đại hơn là máy phóng điện từ như tàu sân bay Mỹ.
Tàu sân bay Trung Quốc dùng động cơ diesel đun sôi nước trong các nồi hơi cao áp, tạo ra hơi nước để chạy hệ thống turbine quay trục chân vịt và máy phát điện, thay vì lò phản ứng hạt nhân để tạo hơi nước như tàu sân bay Mỹ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tàu Sơn Đông có khả năng mang theo 36 chiến đấu cơ J-15, thay vì 24 chiếc như tàu Liêu Ninh. Một số nhà phân tích nghi ngờ thông tin trên cũng như năng lực thật sự của tàu Sơn Đông nhưng tờ Global Times khẳng định "tàu sân bay thứ hai không phải bản sao chép của tàu đầu tiên và sở hữu uy lực lớn hơn nhiều".
Theo Koh, Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ liên quan tới tàu sân bay. Điều này thể hiện rằng họ "vô cùng nghiêm túc trong việc phát triển một năng lực thực chất, không phải 'một con voi trắng'", Koh nhận xét.
Hiện chưa rõ tàu sân bay Sơn Đông có đóng quân ở căn cứ trên đảo Hải Nam không nhưng việc tổ chức lễ biên chế tại đây làm dấy lên lo ngại về toan tính của nước này ở Biển Đông với các nước có tranh chấp và các cường quốc khác.
Nhật Bản và Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng đều nhấn mạnh cam kết duy trì một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Washington lên án Bắc Kinh vì những động thái gây hấn ở Biển Đông, trong đó có hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và điều tới đây vũ khí tối tân. Mỹ lo ngại các tiền đồn phi pháp ở Biển Đông có thể được Trung Quốc sử dụng để hạn chế tự do hàng hải tại tuyến đường biển huyết mạch của thế giới. Quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải tại khu vực.
Bắc Kinh nói họ triển khai vũ khí tối tân tới các đảo nhân tạo vì mục đích phòng vệ nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông.
Điều tàu sân bay mới tới Tam Á cũng giúp răn đe các "lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan", báo Global Times dẫn lời một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.
Koh nhận định lý do chính khiến Trung Quốc triển khai tàu Sơn Đông tới rìa Biển Đông là nhằm "tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc áp đặt ảnh hưởng ở cả Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương". Đặt tàu Sơn Đông ở Tam Á cũng giúp tạo ra một gọng kìm phong tỏa Đài Loan trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ.
Ngoài Sơn Đông, hình ảnh vệ tinh do một viện nghiên cứu của Mỹ công bố hồi tháng 5 cho thấy Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay thứ ba. Nhưng dù sở hữu ba tàu sân bay, Trung Quốc hiện vẫn bị Mỹ bỏ xa khi Washington đang biên chế tới 10 siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz, chuyên gia lưu ý.
Vũ Hoàng (Theo Japan Times)