"Đạo luật này vu khống một cách ác ý tình hình nhân quyền ở Tân Cương của Trung Quốc mà không quan tâm đến sự thật. Nó vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra tuyên bố, đề cập đến Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành.
Phát ngôn viên này cho rằng cáo buộc "lao động cưỡng bức" và "diệt chủng" ở Tân Cương là "lời dối trá ác độc" nhắm vào nước này, trong khi "phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Tân Cương được cả thế giới công nhận".
Trung Quốc cáo buộc Mỹ có hành vi "thao túng chính trị và cưỡng ép kinh tế" khi ban hành đạo luật, tìm cách ngăn cản sự phát triển của nước này với lý do nhân quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tố ngược Mỹ "có vấn đề nghiêm trọng về buôn người và lao động cưỡng bức", dẫn chứng thông tin khoảng 100.000 người bị buôn bán vào Mỹ để lao động cưỡng bức mỗi năm trong 5 năm qua.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ sửa chữa sai lầm ngay lập tức", người này tuyên bố, đồng thời đe dọa Trung Quốc sẽ có thêm phản ứng tùy theo diễn biến tình hình, nhưng không nói rõ các biện pháp phản ứng này là gì.
Trước đó, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu cũng ra tuyên bố "cực lực lên án và kiên quyết bác bỏ" đạo luật của Mỹ.
Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ yêu cầu Tổng thống Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".
Tân Cương là nhà cung cấp lớn về bông và tấm pin mặt trời. Một số hàng hóa, như bông, cà chua và polysilicon được sử dụng trong sản xuất pin năng lượng mặt trời, được coi là những hàng hóa "ưu tiên cao" trong hành động cấm nhập khẩu của Mỹ.
Các công ty lớn của Mỹ kinh doanh tại Tân Cương, trong đó có Coca Cola, Nike và Apple, đã chỉ trích đạo luật này vì nó yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra bằng chứng xác minh hoạt động sản xuất không liên quan lao động cưỡng bức. Ước tính khoảng 20% hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm sử dụng bông từ Tân Cương.
Trung Quốc bị cáo buộc giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại cải huấn ở Tân Cương từ năm 2016, tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này, khẳng định các trại cải huấn là trung tâm đào tạo nghề để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.
Vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một trong những điểm nóng trong căng thẳng Mỹ - Trung những năm qua. Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với nhiều chính trị gia và công ty Trung Quốc, cũng như tiến hành "tẩy chay ngoại giao", không cử quan chức dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Trung Quốc nhiều lần phủ nhận cáo buộc nhân quyền của Mỹ liên quan đến Tân Cương, cảnh báo sẽ hành động đáp trả và gọi các động thái này là "can thiệp thô bạo" vào vấn đề nội bộ của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã áp lệnh trừng phạt "ăn miếng trả miếng" với quan chức Mỹ.
Huyền Lê (Theo Reuters)