Số liệu được tính đến ngày 21/8, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, song không hiện không rõ bao nhiêu người đã hoàn thành hai mũi tiêm.
Hơn 80% người trưởng thành ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được tiêm chủng đầy đủ, đồng nghĩa về mặt lý thuyết dân số ở cả hai thành phố đã đạt khả năng miễn dịch cộng đồng, tức tỷ lệ dân số cần được tiêm chủng để ngăn chặn virus lây lan.
Tuy nhiên, Thượng Hải đang phải đối mặt đợt bùng phát mới với một nhân viên bệnh viện và 5 nhân viên hậu cần tại sân bay quốc tế Phố Đông được xác nhận dương tính với nCoV hôm 22/8. Cơ quan y tế cho biết cả 6 bệnh nhân đều đã được tiêm phòng đầy đủ.
Wu Jinglei, giám đốc ủy ban y tế Thượng Hải, cho biết hơn 700 cư dân đã được cách ly để ngăn dịch bệnh lây lan. "Đợt bùng phát cộng đồng này một lần nữa cho thấy chúng ta không thể tự mãn và nới lỏng các biện pháp y tế công cộng phòng chống Covid-19 dù chỉ là nhỏ nhất", Wu nói.
Cụm dịch bùng phát ở Thượng Hải trong bối cảnh dư luận Trung Quốc tranh luận gay gắt về việc nước này có nên kiên trì với chiến lược không khoan nhượng chống Covid-19, gồm xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và yêu cầu người dân ở nhà để dập tắt các cụm dịch hay không.
Zhang Wenhong, bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải, đã bị công kích sau khi nói rằng thế giới nên học cách chung sống với Covid-19. Trong bài đăng trên Weibo ngày 29/7, Zhang cho biết dữ liệu cho thấy ngay cả khi tất cả mọi người đều được tiêm chủng, Covid-19 vẫn lây lan, nhưng tỷ lệ lây nhiễm và tử vong sẽ giảm.
Trong chuyên mục đăng trên tờ People’s Daily ngày 9/8, cựu bộ trưởng y tế Trung Quốc Gao Qiang chỉ trích ý tưởng "cùng tồn tại" với Covid-19, xem đây là chiến lược vô trách nhiệm dẫn đến sóng lây nhiễm thứ hai và thứ ba ở nhiều quốc gia.
Huyền Lê (Theo SCMP)