"Tháng 5 năm ngoái, tôi là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 được phát triển trong nước. Tôi hiện tiêm ba loại vaccine sử dụng công nghệ khác nhau, từ các nhà sản xuất khác nhau và không cảm thấy khó chịu", Cao Phúc, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, hôm 18/7 cho biết.
Tuy nhiên, ông Cao không giải thích tại sao ông được tiêm mũi thứ ba và liệu đó có phải một phần của nghiên cứu.
Cao Phúc là chuyên gia y tế công cộng đầu tiên ở Trung Quốc kêu gọi nghiên cứu tiêm trộn vaccine để "giải quyết vấn đề tỷ lệ bảo vệ của các loại vaccine hiện tại không quá cao". Nhận xét đó được nhiều người coi là công khai thừa nhận hiệu quả vaccine Trung Quốc thấp.
Tuy nhiên, sau đó ông nói đó là nhận xét chung về vaccine Covid-19 trên toàn thế giới và ông đang nêu khả năng thay đổi khoảng thời gian giữa các liều tiêm cũng như kết hợp công nghệ vaccine có thể tăng cường khả năng miễn dịch.
Theo ông Cao, các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực kiểm tra xem các loại vaccine hiện có phát huy hiệu quả như thế nào đối với các biến chủng mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát tại nước này. "Hiện vaccine của chúng tôi đã phát huy tác dụng, đặc biệt khi đối mặt chủng Delta", Cao Phúc nói, song nhấn mạnh không rõ vaccine có thể bảo vệ trong bao lâu vì đây là lần đầu tiên vaccine Covid-19 được phát triển, còn virus có thể tồn tại trong thời gian dài.
"Có khả năng các loại vaccine Covid-19 sẽ trở nên gần giống vaccine cúm" và cuộc sống có thể trở lại bình thường sau khi đạt mức độ kiểm soát đại dịch nhất định, ông Cao nói.
Các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc cho biết đang nâng cấp vaccine để ứng phó các biến chủng dễ lây lan như Delta. Các thử nghiệm đã được đăng ký liên quan tiêm trộn vaccine bất hoạt, loại vaccine Covid-19 được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc, với các công nghệ khác.
Chủ tịch công ty công nghệ sinh học Sinovac Yin Weidong tháng trước cho biết các thử nghiệm ở người giai đoạn đầu phát hiện kháng thể do vaccine của họ tạo ra "tăng gấp 10 đến 20 lần" sau mũi thứ ba hoặc sáu tháng sau khi hoàn thành tiêm chủng. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đã tiêm mũi thứ ba cho những người đã được tiêm Sinopharm và Sinovac, trong khi Anh công bố kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho các nhóm dễ bị tổn thương trước mùa đông bắt đầu.
Nhà sản xuất thuốc Pfizer tháng này cho biết đã đề xuất phê duyệt tiêm mũi thứ ba để chống biến chủng mới, nhưng cơ quan quản lý Mỹ cho rằng việc tăng cường mũi tiêm hiện chưa cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nói chưa có chưa đủ thông tin để nói liệu có cần tiêm bổ sung.
Huyền Lê (Theo SCMP)