Thế giới

Trung Quốc - thị trường tỷ USD 'hút' nông sản Việt

Cộng lượng xuất khẩu cả năm đi EU, Nhật Bản, CEO Hoàng Phát Fruit nhận ra con số này chỉ bằng hai ngày bán sang Trung Quốc.

Các mặt hàng nông sản mà Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính.

Mỗi năm Hoàng Phát Fruit cung ứng 10.000 tấn trái cây. Vài năm trước, Nhật Bản, Hàn Quốc là thị trường xuất chính của họ nhưng nay Trung Quốc mới là "cứ điểm".

"Trung Quốc đang dẫn đầu về doanh thu của công ty, với hàng trăm tấn chuối, mít, thanh long, sầu riêng xuất bán mỗi năm", ông Nguyễn Khắc Huy - CEO Hoàng Phát Fruit, một trong những nhà xuất khẩu thanh long tươi lớn nhất Việt Nam - nói.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - đơn vị đã có 4 năm xuất khẩu chính ngạch chuối sang Trung Quốc - cũng cùng quan điểm "Trung Quốc là thị trường hấp dẫn".

"Trung Quốc hấp thụ nông sản nhiều nhất thế giới. Nếu hàng chất lượng ổn định, Việt Nam chỉ lo chưa cung ứng kịp chứ chẳng sợ họ không mua", ông Đoàn Nguyên Đức nói với VnExpress.

Trong mắt Công ty Vina T&T, đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, thị trường với quy mô 1,4 tỷ dân này cũng là một mảnh đất màu mỡ. CEO Vina T&T Nguyễn Đình Tùng, người đã có 20 năm làm việc tại Trung Quốc, đánh giá: "Hàng Việt nếu đảm bảo chất lượng, xuất bao nhiêu họ cũng mua hết. Không có thị trường nào dân số đông và tiêu thụ nông sản Việt tốt như thế".

Số liệu của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn cũng cho thấy, xuất khẩu nông sản Việt sang đây tăng gần gấp đôi 10 năm qua, từ 3,8 tỷ USD năm 2013 lên 6,8 tỷ USD vào năm ngoái.

10 tháng, Trung Quốc chi hơn 3,2 tỷ USD nhập rau quả từ Việt Nam, đưa kim ngạch nhập nông sản lên con số kỷ lục, trên 7,5 tỷ USD. Hiện, 14 loại nông sản, trong đó 9 mặt hàng trái cây được xuất chính ngạch (thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, sầu riêng) và hơn 2.940 mã sản phẩm làm thực phẩm chế biến cũng được Tổng cục Hải quan phê duyệt để xuất chính ngạch, đem lại doanh thu tỷ USD.

2023 là năm bùng nổ của xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường này, trên 2 tỷ USD sau 11 tháng. CEO Vina T&T kể, năm nay đối tác Trung Quốc đặt mua 1.500 container loại quả này nhưng doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 30% do không đủ nguồn cung. Với Vina T&T, 10 tháng năm nay, trái cây xuất bán Trung Quốc tăng 70% cùng kỳ, chiếm 35% doanh thu và bỏ xa các thị trường Mỹ, Nhật Bản.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ USD năm 2022, gấp hơn 4 lần so với 2014. Hàng Việt sang Trung Quốc hiện gấp gần 2 lần xuất sang Mỹ, 5 lần Nhật Bản. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Vì sao thị trường Trung Quốc hấp dẫn?

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng các FTA song phương cũng như việc hai nước đều tham gia Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Nghị định thư giữa hai nước đã giúp trái cây, rau củ xuất đi tăng vọt. Tới cuối tháng 10, Trung Quốc chi hơn 7,5 tỷ USD nhập nông sản từ Việt Nam, trong đó rau quả góp 43%.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc 6 năm qua.

Giá mua nông sản nước này cao hơn thị trường nội địa, chất lượng đòi hỏi không quá khắt khe như Mỹ, EU, Nhật Bản. Ông Nguyên ví dụ, sầu riêng Việt ngày càng tiệm cận chất lượng với các đối thủ, giá hấp dẫn nhất tại Trung Quốc. Nhờ đó, trái sầu vươn lên vị trí thứ hai - chiếm 25% thị phần, sau Thái Lan và chiếm 95% nông sản xuất sang đây, góp phần giúp kim ngạch sầu riêng có thể cán đích 2,5 tỷ USD năm nay.

Việt Nam cũng là quốc gia có hơn 1.450 km đường biên giới (đường thủy, đường bộ) với Trung Quốc, nên chi phí logistics thấp, cạnh tranh hơn so với các nước. Ngoài 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, hầu hết mặt hàng còn lại xuất qua kênh buôn bán biên giới (tiểu ngạch).

Cũng theo ông Nguyên, Trung Quốc có nhiều chợ đầu mối lớn nằm gần biên giới phía Bắc, cách các vùng trồng, sản xuất nông sản Việt vài trăm cây số. Đây là thuận lợi giúp giảm chi phí logistics và bảo quản nông sản tốt hơn.

"Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc có sức mua hấp dẫn nhất thế giới. Ngay các quốc gia Mỹ, Chile cách xa nước này vẫn luôn tìm cách chiếm lĩnh", ông Nguyên bình luận.

Không riêng Việt Nam, Trung Quốc cũng là thị trường hấp dẫn với nông sản nhiều quốc gia khác trong ASEAN. Nước này hiện là nơi tiêu thụ dừa, thanh long, chuối, sầu riêng lớn nhất của Thái Lan. RCEP có hiệu lực từ 2022, là FTA gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand), giúp Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu trái cây tươi từ các nước Đông Nam Á.

Năm ngoái nước này chi gần 15 tỷ USD nhập trái cây từ các nước, tăng 8% so với 2021. Xuất khẩu nông sản từ các nước ASEAN sang Trung Quốc tăng hơn 10% trong tháng 10 năm nay, theo thống kê của Produce Report.

Tính chung nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chiếm hơn 10% thị phần tại nước này. Trong đó, sầu riêng Việt nhập vào Trung Quốc tăng 5 lần trong một năm qua, giúp thị phần loại trái cây này lên 25% tại đây.

Công nhân một nhà máy xuất khẩu nông sản chọn lựa, đóng gói trái cây xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Phát Fruit

Không còn là thị trường dễ tính

Thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc đầy sức hấp dẫn với mọi nhà xuất khẩu nhưng không còn dễ tính, theo các doanh nghiệp. Gần đây, họ đưa ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng cho hàng Việt.

Đầu năm ngoái, hàng nghìn xe container nông sản ùn ứ tại cửa khẩu phía Bắc khi Trung Quốc siết các biện pháp kiểm dịch hàng hóa. Gần đây, tôm hùm bông Việt Nam bị ngưng xuất sang nước này do các quy định mới về chất lượng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc.

"Hàng chất lượng thấp đang dần không còn "cửa". Trung Quốc kiểm soát chặt từ thuốc bảo vệ thực vật tới kích cỡ, trọng lượng không thua kém gì Nhật, nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường này cần nâng cao chất lượng", Bầu Đức nói.

Sau một thời gian xuất hàng chính ngạch sang đây, ông cho biết, hàng bán vào các đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh phải đạt tiêu chuẩn ngang thế giới.

Chưa kể, giá bán sang Trung Quốc rẻ hơn và biến động theo tuần hoặc quý, nên biên lợi nhuận thấp hơn so với Mỹ và Nhật Bản. "Lợi nhuận thu được từ xuất một container sang Mỹ bằng 10 container nông sản sang Trung Quốc", ông Tùng của Vina T&T ví von.

Thị trường này cũng có nhiều rào cản, như hạ tầng biên giới, nhất là thương mại thiếu, yếu. Hàng nông, thủy sản chủ yếu xuất bán theo đường tiểu ngạch, số lượng, chất lượng và giá thiếu ổn định.

Khó khăn nữa là các cửa khẩu chính, phụ vẫn hoạt động theo lối truyền thống. Việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại do những quy định còn khác nhau giữa hai nước. Hàng Việt sang Trung Quốc gặp trở ngại về kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc bao bì, giấy chứng nhận với nông sản, thực phẩm.

Chẳng hạn, trái cây sang Trung Quốc hiện chủ yếu vận chuyển qua cửa khẩu đường bộ, chưa tận dụng tuyến đường sắt qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu. Hàng hóa chuyên chở bằng đường sắt qua nước này thấp, hơn 1.000 tấn mỗi ngày.

Chuối mang thương hiệu Pleiku Sweet của Hoàng Anh Gia Lai xuất bán vào các siêu thị lớn ở Trung Quốc hồi tháng 7. Ảnh: Thi Hà

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho rằng, việc Trung Quốc siết tiểu ngạch và chuyển hướng sang chính ngạch khiến "cửa" xuất nông sản bị siết khi phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, bao bì đóng gói...

Ngoài ra, Việt Nam cũng cạnh tranh quyết liệt với hàng nội địa Trung Quốc và các nước lân cận. Ông phân tích, trước đây các loại rau quả nhiệt đới như thanh long chỉ Việt Nam có, nay Trung Quốc đang vượt sản lượng và bán với giá rẻ. Hay sầu riêng Việt - trái cây chiếm thị phần lớn thứ hai tại Trung Quốc, sau Thái Lan - cũng đang phải cạnh tranh từ Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Để tận dụng cơ hội, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải cùng nhau thay đổi, tổ chức lại sản xuất, vùng trồng và chế biến. Tức là, nhà sản xuất cần bỏ suy nghĩ Trung Quốc dễ tính, và xác định đây là thị trường tiêu chuẩn cao, kiểm soát khắt khe để sản xuất "chuẩn" về chất lượng. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chuyển nhanh từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch, cập nhật thị hiếu mới của Trung Quốc.

Về phần mình, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói dù ngày một nhiều thách thức, họ vẫn không bỏ một thị trường như Trung Quốc.

"Nhiều lần gặp khó nhưng tôi vẫn tìm cách xuất hàng sang bằng nhiều phương án. Trung Quốc đang dẫn đầu về xuất khẩu nông sản của công ty, tăng 30% trong 10 tháng qua. Trong đó, sầu riêng là mặt hàng được giá nhất", ông Nguyễn Khắc Huy kể.

Vina T&T của ông Nguyễn Đình Tùng cũng có kế hoạch mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Theo ông Tùng, nếu xuất với số lượng lớn lãi thu được sẽ cao, thậm chí, nông dân Việt Nam sẽ giàu lên và hưởng lợi nhiều nhất từ thị trường này.

Ông dẫn chứng, một hợp tác xã có 20 hộ trồng sầu riêng đạt chuẩn, xuất hết sang Mỹ là khó vì sản lượng đặt hàng của nước này thấp. Nhưng đơn hàng từ Trung Quốc, ngoài thu mua từ 20 hộ, "cả làng trồng sầu riêng" đều bán được hàng giá tốt.

Thi Hà - Hoài Thu
Đồ hoạ: Đỗ Nam