36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước, thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong 36 văn kiện này có 4 văn bản lĩnh vực chính trị - đối ngoại được ký giữa các ban Đảng và Bộ Ngoại giao hai nước, 4 văn bản hợp tác an ninh - quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp. 24 văn bản về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp chính phủ, cấp bộ và cơ quan, cùng 4 văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Bộ Quốc phòng hai nước ký bản ghi nhớ về Tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trong khi Bộ Công an hai bên ký hiệp định về phòng, chống tội phạm và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
>> Danh sách 36 văn bản, thỏa thuận được hai nước ký kết
Hai nước cũng ký hiệp định về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam - Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc. Bộ Giao thông Vận tải ký Bản ghi nhớ với Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác đường sắt, cũng như Bản ghi nhớ với Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới.
Hai bên cũng ký thỏa thuận thiết lập đường dây nóng thông tin về các sự việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.
Trước đó, trong cuộc hội đàm tại Trụ sở Trung ương Đảng hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Trung Quốc đối với truyền thống hữu nghị, tầm vóc quan hệ song phương cũng như triển vọng tốt đẹp trong thời gian tới của quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại cũng như đường lối quốc phòng "4 không", chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, ủng hộ nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa phát triển lớn mạnh, đóng góp ngày càng quan trọng hơn vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, kiên định ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Hai lãnh đạo nhất trí đánh giá kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2008, hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt nhiều tiến triển tích cực, toàn diện, quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu.
Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Hai bên nhất trí không ngừng củng cố tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thông qua các hình thức đa dạng, linh hoạt, phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ kênh Đảng đối với tổng thể quan hệ song phương.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững và sâu sắc hơn. Việt Nam - Trung Quốc tăng cường giáo dục về quan hệ truyền thống quan hệ hai Đảng, hai nước, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, vì lợi ích của hai nước và đóng góp tích cực vào lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Về vấn đề trên biển, hai lãnh đạo đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên cùng thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982), thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với UNCLOS 1982.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, điều quan trọng là các nước cùng thực hiện chính sách hòa bình, hợp tác và phát triển, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng sự bình đẳng, lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, hợp tác cùng phát triển, phối hợp ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc hai bên cùng chỉ đạo, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của hai nước tinh thần cao hơn, quyết tâm lớn hơn để thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển vững chắc, ổn định, bền vững lâu dài và hiệu quả hơn nữa trên tầm cao mới của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Vũ Anh (Theo TTXVN)