"Gia nhập hiệp ước này là biện pháp quan trọng của Trung Quốc nhằm ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì và cải thiện hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực. Trung Quốc luôn kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu vũ khí", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay cho biết.

Cuộc họp Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc hôm 20/6. Ảnh: Xinhua.
Quyết định được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, phê chuẩn hôm 20/6. "Trung Quốc chỉ xuất khẩu sản phẩm quân sự tới các quốc gia có chủ quyền, không giao dịch với những cá nhân hoặc tổ chức phi quốc gia", ông Triệu nói thêm.
Hiệp ước Kiểm soát Buôn bán Vũ khí (ATT) có hiệu lực từ ngày 24/12/2014, được 105 quốc gia và vùng lãnh thổ phê chuẩn, cùng 32 nước tham gia ký nhưng chưa phê chuẩn.
Thỏa thuận này kiểm soát hoạt động mua bán vũ khí thông thường, từ súng đạn đến xe tăng, máy bay quân sự, đặc biệt là những thương vụ liên quan tới các vùng chiến sự, nhằm thúc đẩy hòa bình, hạn chế thương vong cho con người, bảo đảm minh bạch và trách nhiệm từ các nước tham gia.
Những quốc gia thành viên ATT phải lưu trữ toàn bộ thông tin về giao dịch mua bán vũ khí, đồng thời bị cấm chuyển vũ khí xuyên biên giới nếu chúng có nguy cơ được dùng trong các cuộc tấn công dân thường hoặc hành động vi phạm nhân quyền.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng ủng hộ thỏa thuận này, nhưng Thượng viện Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn ATT. Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái rút Mỹ khỏi ATT, cho rằng nó gây hại cho ngành công nghiệp vũ khí Mỹ, cũng như xâm phạm quyền sử dụng súng ở nước này.
Báo cáo hồi tháng 1 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) cho biết Trung Quốc là quốc gia sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Vũ Anh (Theo Reuters)