Đây là vấn đề căng thẳng kéo dài suốt ba năm rưỡi qua, được nêu trong hồi ký "The Room Where It Happened: A White House Memoir" (Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng) dự kiến được John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phát hành vào ngày 23/6.
Cuốn hồi ký củng cố những thông tin mà các quan chức Nhà Trắng từng tiết lộ trong các cuộc phỏng vấn và trao đổi riêng từ năm 2017, đồng thời hé lộ hậu trường những "lời khen" mà Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ yếu là trên Twitter.
Khi được ghép nối lại, những thông tin này cho thấy chính quyền Trump chưa từng có chính sách nhất quán về Trung Quốc, bất chấp nhiều nỗ lực ban đầu của các trợ lý cấp cao để xây dựng khung chính sách đối ngoại với Bắc Kinh trong "cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường". Trump được cho là trở ngại của quá trình xây dựng chính sách này.
Hồi ký của Bolton tiết lộ Trump từng can thiệp để chấm dứt lệnh trừng phạt một công ty công nghệ Trung Quốc theo đề nghị của ông Tập. Trump cũng muốn chấm dứt cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ với giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu để đổi lấy các nhượng bộ thương mại từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ được cho là từng đề nghị lãnh đạo Trung Quốc giúp đỡ để thắng cử tổng thống năm 2020. "Hãy đảm bảo tôi sẽ thắng", Trump với với Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Vanity Fair.
Khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán và xuất hiện ở nhiều quốc gia khác, Trump vẫn dành cho ông Tập nhiều lời khen tốt đẹp nhằm bảo vệ thỏa thuận thương mại ký hồi tháng 1.
"Đảng Cộng hòa sẽ khó có thể bác bỏ những thông tin được Bolton đưa ra trong hồi ký. Nó giúp giải thích tại sao chiến dịch gây áp lực với Trung Quốc ít hiệu quả, bởi vì Tổng thống Trump đã can thiệp để đổi lấy những lợi ích chính trị cá nhân và ưu ái thương mại từ lãnh đạo Trung Quốc", Susan Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California, cho hay.
Trong bài đăng Twitter hôm 17/6, Trump chỉ trích cựu cố vấn an ninh quốc gia Bolton và tuyên bố cuốn hồi ký là "tuyển tập những lời dối trá và bịa đặt, tất cả đều nhằm mục đích khiến tôi trông tồi tệ".
Trump ngày 18/6 cũng thể hiện giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc khi phủ nhận tuyên bố của Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer, rằng Washington sẽ không tìm cách "tách" nền kinh tế khỏi Trung Quốc. Trump nói Lighthizer đã sai lầm và thêm rằng Mỹ hoàn toàn có thể theo đuổi chính sách tách rời Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng việc Mỹ tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc không phải chuyện dễ dàng.
Những người phản đối các hành động của chính quyền Trump với Trung Quốc nói rằng nhiều quan chức "diều hâu" ở Nhà Trắng đã phản ứng thái quá hoặc đưa ra các biện pháp sai lầm, như thúc đẩy cuộc chiến thương mại khiến nhiều công ty và nông dân Mỹ khốn đốn.
Chính quyền Trump thường bị chia thành hai phe, một bên xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia và một bên xem là cơ hội kinh doanh. Bolton thuộc nhóm đầu, cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo, phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow ủng hộ chính sách ôn hòa với Trung Quốc để giữ quan hệ thương mại.
Jarred Kushner, con rể và cố vấn cấp cao của Trump, cũng ủng hộ quan điểm này. Trong bữa ăn tối ở Buenos Aires, Argentina hồi tháng 12/2018, Trump và Kushner cùng ông Tập và quan chức Trung Quốc "đều cười nói vui vẻ", theo Bolton.
Dù Navarro có cùng quan điểm với Bolton về Trung Quốc, ông vẫn bảo vệ chính sách của Trump trước phóng viên khi xem hồi ký là những lời nói dối "để kiếm tiền". Nhưng đằng sau hậu trường, ông lại tranh cãi với giới chức chính quyền, đặc biệt là Mnuchin, về các cuộc đàm phán thương mại.
Michael Pillsbury, học giả Viện Hudson, người từng nói chuyện với Trump về Trung Quốc, lưu ý rằng các chính quyền trước đây cũng xảy ra chia rẽ trong nội bộ về vấn đề Bắc Kinh. "Đây không phải mối quan hệ Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0. Quan hệ này mang tính hợp tác nhiều hơn", ông nói.
Giữa thời điểm hỗn loạn, một số nhà lập pháp đã cố gắng đưa Trump và chính quyền của ông tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh quốc gia và nhân quyền. Tháng ngày, thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley, thuộc bang Missouri, đã đề xuất dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng duy trì khả năng ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đề xuất dự luật Hong Kong và Duy Ngô Nhĩ, sau đó được Trump ký thành luật.
Nhưng Trump không áp lệnh trừng phạt kinh tế với quan chức cấp cao Trung Quốc liên quan tới cáo buộc vi phạm nhân quyền. Năm ngoái, Trump nói với ông Tập rằng sẽ không lên tiếng về biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong để nói lại đàm phán thương mại. Bolton viết rằng ông nghe thấy Trump nói "tôi không muốn liên quan" và "chúng ta cũng có vấn đề về nhân quyền", khi nghe tin biểu tình ở đặc khu.
Trump tháng trước cho biết ông sẽ trừng phạt Bắc Kinh vì làm xói mòn quyền tự chủ của Hong Kong nhưng không thông báo hành động cụ thể.
Trump từng chỉ trích nhiều động thái thương mại của Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2016. Nhưng sau khi đắc cử, Trump lại nhanh chóng phát triển quan hệ cá nhân với ông Tập, khi tổ chức cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo Trung Quốc ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng 4/2017. Trump dùng bữa tối cùng ông Tập, trong đó có món mà ông gọi là "miếng bánh sô cô la đẹp nhất bạn từng thấy".
Trump sau đó bắt đầu cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng với Trung Quốc, khiến quan hệ hai nước leo thang căng thẳng. Mong muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận đàm phán của Trump đôi khi gây cản trở cho các cố vấn như Lighthizer, người muốn gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi nhiều hơn cấu trúc kinh tế.
Chiến dịch tranh cử năm nay của Trump đã tiêu tốn hàng triệu USD quảng cáo để lôi kéo cử tri với thông điệp rằng ông cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng trợ lý của Jose Biden chỉ ra kết quả khảo sát cho thấy Trump gặp khó khăn với mục tiêu này.
Biden đã nhanh chóng tận dụng hồi ký của Bolton để khiến Trump "mất điểm". "Nếu những điều này là sự thật, nó không chỉ là hành động phản cảm mà còn là vi phạm nghĩa vụ thiêng liêng của tổng thống đối với người dân Mỹ, để bảo vệ lợi ích và giá trị của chúng ta", Biden nói.
Tuy nhiên, Jude Blanchette, học giả về Trung Quốc tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng rất khó để nói giới lãnh đạo Trung Quốc thích ứng viên tổng thống nào hơn. "Chính quyền Trump đã mang tới 4 năm đầy căng thẳng, hỗn loạn và áp lực với Bắc Kinh, trong khi một tổng thống như Biden rất có thể sẽ tập hợp đồng minh quan trọng để kiềm chế các hành động của Trung Quốc", ông nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)