Các bài phát biểu của Tổng thống Obama trong chuyến công du châu Á lần này nhằm vào hai đối tượng người nghe: một là các nước đồng minh trong khu vực, hai là Trung Quốc. Mâu thuẫn Mỹ - Nga hiện nay buộc ông Obama phải vận dụng sách lược trên nhằm cân bằng quan hệ giữa các bên.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh là đối tượng hưởng lợi lớn từ cục diện căng thẳng Đông - Tây nguy hiểm nhất từ sau Chiến tranh Lạnh hiện nay. Trong lịch sử, Trung Quốc cũng từng thực hiện được mục tiêu chiến lược của mình, thông qua lợi dụng mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên Xô. Khủng hoảng Ukraine được cho là sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc gia tăng sức ép với các nước láng giềng vốn tồn tại tranh chấp chủ quyền.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Malaysia hôm qua. Ảnh: Reuters
Từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, rồi Malaysia và hôm nay là Philippines, Tổng thống Obama đang gửi đi một thông điệp được cân nhắc kỹ càng rằng các nước đồng minh hãy yên tâm về cam kết bảo vệ của Mỹ, đồng thời muốn Trung Quốc từ bỏ ý định mở chiến tuyến thứ hai tại vành đai Thái Bình Dương.
Trong chuyến thăm Tokyo ngày 24/4, ông Obama một mặt cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản trên vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, một mặt kêu gọi đồng minh kiềm chế. Ông cũng bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ vững chắc với Bắc Kinh.
Còn taị Seoul, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ Hàn Quốc khỏi khả năng bị Triều Tiên tấn công. Bình Nhưỡng là đồng minh chiến lược của Bắc Kinh tại Đông Á. Nhưng, ông Obama vẫn muốn tìm mọi cách để kéo Trung Quốc đứng về phía mình trên vấn đề này.
Bình luận viên Mark Landler của tờ New York Times nhận định chuyến công du lần này của tổng thống Mỹ có thể bị đánh giá là nhằm kiềm chế Trung Quốc, bởi cả 4 nước ông đến thăm đều đang lo ngại về sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Obama ngay từ đầu đã phủ nhận quan điểm trên. "Chúng tôi không hứng thú với việc kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc có thể trỗi dậy hòa bình, trở thành quốc gia pháp quyền có trách nhiệm và hùng mạnh", ông nói. "Nhưng để gánh vác vai trò này, họ cần tuân thủ một số quy tắc".
Phát ngôn trên phù hợp với chính sách Trung Quốc của Mỹ trong suốt hơn hai thập kỷ qua, muốn hướng Bắc Kinh vào hệ thống quốc tế do phương Tây, mà đứng đầu là Washington làm chủ đạo, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề Crimea trở thành một tiền lệ bất lợi cho Mỹ.
Tổng thống Obama gửi đến ban lãnh đạo Trung Quốc thông điệp rằng đừng nên học theo cách làm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, cái giá của việc Moscow can thiệp vào Ukraine là các lệnh trừng phạt của phương Tây, sẽ làm suy yếu nền kinh tế của Nga.
Theo các nhà phân tích, một thông điệp khác mà tổng thống Mỹ muốn gửi đi đó là Trung Quốc cần cân nhắc lại việc nên hay không nên xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn nữa với Nga.
"Thông tin gửi đi là (Trung Quốc) đừng cho rằng cách làm của Putin ở miền đông Ukraine là đáng học tập. (Trung Quốc) không thể lấy đó là mô hình phù hợp với mình, cần đứng về bên người thắng cuộc", ông Jeffrey Bader, cựu cố vấn cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), bình luận.
Trước đó, ông Bader cũng từng cảnh cáo nếu Tổng thống Obama không cân nhắc kỹ việc lựa chọn ngôn từ, rất có thể sẽ khiến bên ngoài hiểu nhầm chuyến công du của ông nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các phát ngôn của ông Obama đến thời điểm này vẫn rất đúng mực, vừa thể hiện thái độ kiên quyết ủng hộ đồng minh, vừa không khiến Trung Quốc cảm thấy phẫn nộ vì bị cô lập.
Ngay sau tuyên bố chung Mỹ - Nhật, bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố phản đối việc ông Obama đưa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào phạm vi hiệp ước an ninh chung giữa Washington và Tokyo. Nhưng, động thái trên được cho là mang tính quy trình ngoại giao và phía Bắc Kinh cũng không đưa ra thêm bất kỳ tuyên bố nào sau đó.
"Trung Quốc hiện nay cảm thấy vừa ý với cục diện đang diễn ra tại châu Á và các khu vực khác, nên không muốn khơi mào mâu thuẫn với Mỹ", bình luận viên Jonathan Soble của tờ Financial Times nhận định.

Tổng thống Obama một mặt muốn đồng minh yên tâm về cam kết bảo vệ của Mỹ, một mặt muốn Trung Quốc từ bỏ ý định mở mặt trận thứ hai tại khu vực vành đai Thái Bình Dương. Đồ họa: Transpacific Project
Mặc dù lãnh đạo các nước chủ nhà tỏ thái độ hài lòng và yên tâm với các tuyên bố của Tổng thống Obama, mối lo ngại về quyết tâm thực sự của Mỹ vẫn không hoàn toàn được dẹp bỏ.
"Vấn đề Crimea được các đồng minh coi là viên đá thử vàng cho mối quan hệ giữa Mỹ và họ. Nếu như Trung Quốc có hành động tương tự tại Hoa Đông và Biển Đông thì Washington sẽ phản ứng ra sao", Wall Street Journal dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên cho biết. "Các nước đồng minh hoài nghi liệu Washington có thể quán triệt chính sách quay lại châu Á hay không".
Cũng chung quan điểm trên, Giáo sư Narushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho biết cách biểu đạt của Tổng thống Obama rất tế nghị, bởi "ông ấy không muốn rơi vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc".
"Nếu như Triều Tiên có hành động, hoặc Trung Quốc và Triều Tiên cùng có hành động nào đó, thì liệu Mỹ có thực sự đến bảo vệ Hàn Quốc hay không?", Giáo sư quan hệ quốc tế Lee Geun thuộc đại học quốc gia Seoul đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, Nhà Trắng lại cho rằng địa vị của Mỹ tại châu Á hiện nay cao hơn nhiều so với nhiều năm trước. Malaysia từng là quốc gia Hồi giáo công khai phản đối chính phủ Mỹ, nhưng nay đang hy vọng tăng cường hợp tác với Washington.
"Malaysia hoan nghênh chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á, cũng như những cống hiến của Mỹ cho nền hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực. Hai miền lục địa của chúng ta cùng chung một đại dương, chúng ta cũng nên liên kết với nhau bằng một chính sách chung", Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama ngày hôm qua.
Phó cố vấn an ninh Mỹ Benjamin Rhodes cho rằng Malaysia và Trung Quốc tồn tại tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vì vậy Kuala Lumpur dễ dàng ủng hộ chính sách của Mỹ. "Quan điểm của tổng thống là nước lớn không nên áp đặt nước nhỏ", ông nói.
Vấn đề trên được cho là sẽ thể hiện rõ hơn nữa trong chuyến thăm Philippines hôm nay của Tổng thống Obama. Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, xoay quanh tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Bãi cạn này hiện do tàu thuyền của Trung Quốc kiểm soát.
Sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ Philip Goldberg đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh trong thời gian 10 năm, cho phép tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia đồng minh Đông Nam Á.
"Sự hợp tác lớn hơn giữa Mỹ và Philippines sẽ tăng cường khả năng huấn luyện, diễn tập, phối hợp hoạt động và phản ứng nhanh trước hàng loạt các thách thức", ông Obama cho biết trong bài phỏng vấn bằng văn bản với hãng truyền hình địa phương ABS-CBN.
Hiệp định này là thông điệp rõ ràng mà Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc về trách nhiệm của Washington với đồng minh, cũng như mối quan tâm đặc biệt trên vấn đề Biển Đông.
"Philippines coi Trung Quốc là một nguy cơ và coi Mỹ là đồng minh tự nhiên, với hy vọng sự hiện diện của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc chùn chân", chuyên gia Ramon Casiple thuộc Viện nghiên cứu cải cách chính trị Philippines bình luận.
Trên thực tế, quân đội Mỹ đã chuẩn bị các phương án ứng phó với bất kỳ hành động mang tính khiêu khích nào của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông, bao gồm điều động máy bay ném bom B-2 hoặc diễn tập hàng không mẫu hạm gần khu vực lãnh hải của Trung Quốc.
"Nếu như Trung Quốc có các hành động tuyên bố chủ quyền đơn phương trong khu vực, sẽ vấp phải thách thức quân sự từ Mỹ nhằm mục đích buộc Bắc Kinh nhượng bộ", một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho hay. "Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch ứng phó đều nhằm tạo cho đối thủ tiềm tàng cơ hội để giảm thiểu căng thẳng. Không bao giờ nên dồn kẻ địch vào chân tường, bởi bạn không lường được đối phương sẽ có phản ứng gì".
Đức Dương