5 năm sau khi tuyên bố trọng tâm đối ngoại của Mỹ sẽ chuyển về châu Á, Tổng thống Obama hiện phải đối mặt với những chất vấn về tính thực chất của chính sách trên, đặc biệt trong bối cảnh Washington ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề Syria và nguy cơ hạt nhân Iran.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyến công du châu Á sắp tới của ông chủ Nhà Trắng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, nhằm củng cố niềm tin vốn ít nhiều đã bị lung lay của các nước đồng minh trong khu vực.
"Ông Obama cần tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản và Philippines, nhằm làm yên lòng các nước đồng minh và kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực", bình luận viên Geoff Dyer của tờ Financial Times cho biết.
Đây là chuyến công du thứ năm đến châu Á của ông Obama trên cương vị tổng thống và Nhật Bản là trạm dừng chân đầu tiên. Chuyến đi lần này nhằm bù đắp cho việc ông không thể tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 10 năm ngoái.
"Trong các hoạt động mang tính nghi lễ, người ta sẽ không bàn luận về vấn đề này. Nhưng trong hội đàm kín, họ sẽ công khai chất vấn liệu trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của ông ấy là gì, điều mà họ không biết", ông Victor Cha, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), phân tích.
Nhật Bản là đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ tại khu vực Đông Á. Các nhà quan sát nhận định rằng, Washington sẽ ủng hộ chính sách cải tạo toàn diện quân đội của chính phủ Nhật Bản, cũng như việc Tokyo muốn phát huy vai trò hơn nữa trong quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Trên thực tế, Mỹ - Nhật đang đàm phán việc sửa đổi hiệp ước phòng thủ song phương. Tokyo đưa ra hàng loạt phương án, trong đó bao gồm ý tưởng quân đội Nhật Bản được phép hỗ trợ trong trường hợp tàu chiến Mỹ bị tấn công. Đây từng là chủ trương bị Washington từ chối trong nhiều năm qua.
"Vấn đề từng bị từ chối thảo luận trong suốt 25 năm qua, nay lại được đưa vào nghị trình. Mỹ rất mong muốn tăng cường quan hệ quan hệ đồng minh với Nhật Bản", ông Douglas Paal, cựu quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ, nhận định.
Ngoài ra, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được cho là trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Việc liệu TPP có được ký kết hay không là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá thành quả chính sách ngoại giao tại châu Á của ông Obama.
Philippines là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Washington và Manila đã bước vào giai đoạn cuối cùng trong vòng đàm phán nhằm ký kết một hiệp định quân sự mới. Theo đó, quân đội Mỹ được phép sử dụng nhiều hơn nữa các cảng và sân bay quân sự của đồng minh.
Sau khi quân đội Mỹ được yêu cầu rời khỏi các căn cứ quân sự tại Philippines vào năm 1999, Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ bỏ ý định xây dựng một căn cứ mang tính vĩnh viễn tại đây. Nhưng nay Lầu Năm Góc quyết định khởi động kế hoạch luân lưu đồn trú đội lực lượng hải quân lục chiến tại Philippines.
Hàn Quốc và Malaysia là hai trạm dừng chân tiếp theo trong chuyến công du châu Á lần này. Ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Malaysia kể từ sau chuyến công du năm 1966 của cựu tổng thống Lyndon Johnson.
Trọng tâm của chuyến thăm Seoul được cho là sẽ xoay quanh vấn đề quan hệ Hàn - Nhật và nguy cơ hạt nhân Triều Tiên. Dưới sự điều đình của ông Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Abe đã có cuộc hội đàm tại The Hague hồi cuối tháng ba, sau thời gian dài quan hệ song phương chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tranh chấp chủ quyền và vấn đề lịch sử.
"Cái bóng" Trung Quốc
Mặc dù Bắc Kinh không nằm trong lịch trình, sự trỗi dậy của Trung Quốc như một bá chủ tiềm năng trong khu vực vẫn được cho là sợi chỉ đỏ xuyết suốt toàn bộ chuyến công du sắp tới của Tổng thống Obama.
"Điều mà cả Bắc Kinh và chúng tôi cùng quan tâm đó là tổng thống sẽ nhắc đến từ Trung Quốc thường xuyên ra sao trong suốt chuyến công du", AFP dẫn lời ông Christopher Johnson, chuyên gia về Trung Quốc thuộc CSIS, cho biết.
Chính sách Trung Quốc của Mỹ trong suốt hai thập kỷ qua dựa trên mục tiêu hướng Bắc Kinh vào hệ thống quốc tế do phương Tây, mà đứng đầu là Washington làm chủ đạo, nhưng tránh tạo ra một cuộc đụng độ địa chính trị giữa siêu cường truyền thống và một cường quốc mới nổi.
Vị thế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, với tốc độ phát triển kinh tế chóng mặt và tiềm lực quân sự không ngừng mạnh mẽ, là một hiện thực khiến các quốc gia láng giềng, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh phải lo ngại, trông cậy vào Mỹ như một đối trọng.
Ba trong 4 nước mà Tổng thống Obama sắp đến thăm tồn tại tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. Đó là Nhật Bản với tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Philippines và Malaysia tại Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, ông Obama một mặt phải đảm bảo cam kết phòng thủ với các nước đồng minh, một mặt phải lựa chọn ngôn từ để tránh việc Bắc Kinh suy diễn ý đồ chiến lược tái cân bằng của Mỹ là nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc.
Đây cũng là chuyến công du đầu tiên đến châu Á của tổng thống Mỹ sau khi Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông cuối năm ngoái, vốn làm gia tăng tranh cãi về lãnh thổ và hàng hải âm ỉ bấy lâu nay.
Washington kiên quyết phản đối động thái trên, coi đây là phi pháp, phớt lờ Bắc Kinh mà điều chiến đấu cơ B-52 bay qua ADIZ. Sự kiện lần này khiến giới chức Mỹ lo ngại về ý đồ quân sự thực sự của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel hôm 8/4 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố: "Trung Quốc không thỏa hiệp, nhượng bộ, trao đổi trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Quân đội Trung Quốc gọi là sẽ đến, đến là sẽ đánh và đánh là tất thắng".
Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice cho biết, Tổng thống Obama sẽ khẳng định rõ, những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực phải được giải quyết “không phải thông qua ép buộc, không phải bằng đe dọa, không bằng bất kỳ biện pháp nào khác ngoài ngoại giao hòa bình trên cơ sở luật pháp, mà cụ thể là luật biển”.
Tuy nhiên, thách thức mà ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt không hề đơn giản, bởi phải cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh ngay trong chính sách tái cân bằng của mình.
"Thông điệp dành cho Trung Quốc là Mỹ sẽ lưu lại châu Á - Thái Bình Dương, rằng Mỹ mong muốn các chuẩn mực quốc tế được tôn trọng, và các quốc gia không thể bị ức hiếp, và rằng Mỹ đã và sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh", ông Jeff Bader, cố vấn chính sách Đông Á trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, kết luận.
Đức Dương