Trong buổi họp báo hôm qua, Sheng Ronghua, Phó Cục trưởng Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC), khẳng định chiến dịch nhắm hàng loạt mục tiêu gồm sử dụng bot để tăng lượt xem, thích và bình luận trên các nền tảng trực tuyến; các phiên livestream kêu gọi ủng hộ tiền; hư cấu việc tự tử để thu hút và đánh bóng tên tuổi; dụ dỗ mọi người tham gia các trò gian lận trực tuyến...
Ông Ronghua nhấn mạnh, CAC sẽ theo dõi những người có ảnh hưởng, người có lượng theo dõi lớn trên các nền tảng xã hội bằng những biện pháp khác nhau và sẽ "xử lý nghiêm" nếu phát hiện gian lận.
Theo Zhang Yongjun, một quan chức cấp cao của CAC, nhiều người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội "có liên quan hoặc thậm chí là nguyên nhân" của sự hỗn loạn trực tuyến nhất định. Một số đã cố gắng tăng lượt xem bằng cách kích động cảm xúc, tạo nội dung khiêu dâm, cũng như các thông tin có giá trị sai lệch.
Yongjun cho biết, việc kiểm soát nội dung trực tuyến chủ yếu được thực hiện bằng phần mềm máy tính dựa trên AI. Hệ thống này làm nhiệm vụ theo dõi và dự đoán bạo lực trực tuyến, đồng thời bổ sung tính năng trong ứng dụng như chặn tin nhắn trực tiếp từ các tài khoản không xác định, tài khoản ảo. Hiện việc chặn tin nhắn đã được áp dụng trên Douyin - phiên bản TikTok dành cho thị trường Trung Quốc - và đang hoạt động tốt.
Theo thống kê của CAC, năm ngoái có 1,34 tỷ tài khoản trực tuyến bị khoá, 7.200 người có ảnh hưởng bị chặn và 2.160 ứng dụng bị xóa. Cơ quan này cho biết đã ngăn hàng loạt vụ tấn công và lạm dụng trực tuyến.
Đầu tháng 3, Trung Quốc cũng ban hành quy định mới nhằm kiềm chế các công ty hoặc nhà phát triển sử dụng thuật toán gây nghiện cho ứng dụng của mình. CAC thành lập năm 2014 và lần đầu sử dụng thuật ngữ "làm sạch Internet" vào 2016. Năm ngoái, cơ quan này khẳng định sẽ tiến hành các hoạt động mạnh tay trên môi trường trực tuyến hàng năm.
Bảo Lâm (theo SCMP)