Nhìn từ bên ngoài, Xinhe United Creation Park, tọa lạc tại ngoại ô Hàng Châu, tương tự các khu thương mại khác. Nhưng bên trong là hàng loạt tòa nhà treo các khẩu hiệu, như "thời gian là tiền bạc", "bạn là độc nhất", "không gì có thể thay thế bạn" và "tràn đầy hy vọng". Theo SCMP, đây chỉ là một số khẩu hiệu nhằm tạo động lực cho những người tìm đến đây để học cách nổi tiếng trên thị trường livestream đang ngày càng phát triển tại Trung Quốc.
Xinhe, một trong nhiều trung tâm đào tạo livestream đang mọc lên như nấm khắp Trung Quốc, đã thu hút vô số học viên ôm mộng nổi tiếng sau sự thành công của nhiều streamer thuộc trung tâm này, trong có có Viya. Cô được xem là "nữ hoàng livestream" của Trung Quốc với hơn 80 triệu người theo dõi trên Taobao. Theo công ty theo dõi dữ liệu thương mại điện tử Guoji, cô từng đem về doanh thu hơn 6 tỷ USD từ hoạt động livestream trên Taobao vào năm 2020. Con số đó tương đương một phần ba tổng doanh thu toàn cầu của Marcy’s - cửa hàng bách hóa lâu đời nhất của Mỹ.
Viya có thể bán mọi thứ, từ son môi đến dịch vụ bán tên lửa. Thành công của cô đã khiến nhiều người gia nhập giới streamer bán hàng, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực mới nổi này.
"Viya là một nhân vật quan trọng. Cô khiến người ngoài ngành nhận ra rằng phát trực tiếp là một kênh bán hàng rất hiệu quả. Khi tôi đến Jiubao vào năm 2019, những streamer có doanh thu dưới 1 triệu nhân dân tệ trong ngày sẽ thấy xấu hổ khi chào hỏi người khác", Gu Zhenjie, Giám đốc điều hành của Xinhe nói với SCMP.
Hàng trăm nghìn người đã tham gia vào lĩnh vực này, mang theo hy vọng nổi tiếng như Viya. Zhang Yuanlin, streamer với hai năm kinh nghiệm, là một trong số đó.
Cô gái 27 tuổi vừa nhận việc tại công ty livestream Xihongshi Network Technology vào tháng 6. Trước đây, Zhang có 7 năm làm phát thanh viên tại Hồ Nam. "Khác biệt lớn nhất giữa nghề streamer bán hàng với các công việc trước đây là tâm trạng của tôi liên tục thay đổi theo doanh, do tôi luôn để tâm tới con số bán ra khi đang lên sóng", Zhang nói. Khi bắt đầu làm streamer bán hàng, mức lương của cô đã cao hơn khi làm phát thanh viên gấp 3 lần.
Tuy nhiên, những ai hâm mộ Viya có thể sẽ thất vọng do việc đạt được danh tiếng chỉ sau một đêm là gần như không thể do sự phát triển mạnh của livestream bán hàng đã kéo theo cạnh tranh gay gắt trên các nền tảng khác nhau.
Giám đốc điều hành của Xinhe cho rằng lĩnh vực này đã qua thời kỳ bùng nổ và đang dần lắng lại. Ông đánh giá ngành livestream cạnh tranh khốc liệt hiện tại đang đào thải những nhân tố chất lượng thấp, đồng nghĩa với việc chỉ streamer giỏi cùng với thương hiệu tốt mới bán được hàng.
"Rõ ràng trong năm nay, nhiều người gia nhập Xinhe là các streamer đã có danh tiếng nhất định. Nếu bạn không có tên tuổi, rất khó để tồn tại ở Xinhe", Gu Zhenjie đánh giá. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng khiến ngành này bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhiều streamer từng bị cáo buộc quảng cáo sai sự thật và thổi phồng doanh số.
Năm ngoái, streamer nổi tiếng Xinba bị phạt 900.000 nhân dân tệ (hơn 3 tỷ đồng) và bị khóa tài khoản Kuaishou 60 ngày sau khi cơ quan giám sát thị trường Quảng Châu phía nam xác định rằng người này bán nước yến giả.
Cùng với sự tăng cường giám sát của chính phủ Trung Quốc với các ông lớn công nghệ, nhiều quy định mới, chặt chẽ hơn cũng được ban hành và kìm hãm sự tăng trưởng không kiểm soát của ngành này.
Theo các quy định đó, những nền tảng như Kuaishou phải lập danh sách các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp hoặc không phù hợp để bán trên sóng livestream. Bên cạnh đó, các hành vi như bán hàng giả, làm giả lượt xem, quảng bá mô hình đa cấp, tham gia đánh bạc và gian lận đều bị coi là bất hợp pháp.
Những người mới như Zhang phải đối mặt với áp lực trở thành streamer nổi tiếng. Hàng ngày, cô ấy xem và học hỏi từ livestream của những streamer hàng đầu. Tuy nhiên, để trở thành một trong số đó, cô thiếu cả thời gian lẫn nguồn lực.
Mặc dù mới làm trong ngành được hai năm, Zhang đang dần suy nghĩ về tương lai của mình. "Giọng tôi đã bắt đầu khàn rồi", Zhang nói. Cô cho biết streamer chỉ là nghề cho người trẻ tuổi, vì vậy Zhang nghĩ mình sẽ chuyển sang làm quản lý cho streamer mới trong tương lai.
Là kênh dễ dàng tiếp cận đến người mua sắm trực tuyến, thị trường livestream thương mại của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hàng năm 121,5% vào năm 2020, đạt 961 tỷ nhân dân tệ, theo công ty phân tích và khai thác dữ liệu iiMedia Research. Tính đến tháng 6/2020, quốc gia này có 309 triệu người mua sắm qua livestream, chiếm khoảng một phần ba dân số sử dụng Internet.
Theo khảo sát của nền tảng rao vặt trực tuyến 58.com, các streamer và những người sáng tạo nội dung trực tuyến nói chung có thể kiếm trung bình hàng tháng 14.682 nhân dân tệ (52 triệu đồng). Trong khi sinh viên thiết kế mới ra trường có mức lương 9.933 nhân dân tệ (35 triệu đồng).
Mỹ Quyên (theo SCMP)