Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có một ngôi làng tên Menkoupo. Khác với hình dung của mọi người về một làng quê truyền thống, ngay đầu làng là một tấm biển lớn ghi "Làng Đỏ Internet". Trong làng, không khí lúc nào cũng nhộn nhịp, nhưng kỳ quái.
Đàn ông trong làng đều khoác bộ âu phục màu đỏ, đầu cạo trắng trên đỉnh, chính giữa là một chỏm tóc lưa thưa. Mỗi người cầm một chiếc smartphone "live stream" và đi khắp làng, vừa đi vừa cười nói, làm đủ hành động lạ lùng trước ống kính.
"Tôi muốn lăn lội trong bùn mãi mãi. Xem tôi biểu diễn 'cáp mô công' của Âu Dương Phong đây". Mội chàng trai trẻ nói trước điện thoại rồi phi ngay xuống vũng bùn và nhảy như cóc. Cách đó vài bước chân, hai người đàn ông ăn mặc nhang nhác nhau, tay cầm cây pháo khói và nhảy múa.
Khung cảnh ấy sẽ khiến những người lần đầu đến đây phải thốt lên "họ bị làm sao vậy".
Mọi thứ bắt đầu khi Li Mugui - một người làng này - trở thành "hiện tượng mạng" của Trung Quốc.
Li Mugui, 26 tuổi, được người dùng Internet nước này biết đến với tên gọi "Đông Phương Bất Bại". Trong bộ âu phục màu đỏ, tay cầm gậy selfie, Li thường bắt đầu buổi "live stream" của mình với hàng triệu lượt xem trên các nền tảng bằng câu: "Đầu đội mũ nồi, mình là Đông Phương Bất Bại đây".
Câu chuyện của chàng trai 26 tuổi này khá "truyền cảm hứng". Cha của Li Mugui qua đời khi anh lên 14. Hai mẹ con phải nương tựa nhau để sống. Li phải bỏ học giữa chừng. Vài năm sau đó, anh cảm thấy sức nóng của cái gọi là "phát sóng trực tiếp" và bắt đầu sự nghiệp của mình.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Li Mugui có hơn 200.000 người hâm hộ trên một nền tảng "live stream". Chỉ bằng cách ăn mặc đặc biệt, nói và làm những việc đăc biệt, anh bắt đầu kiếm ra tiền bằng việc quảng cáo, bán sản phẩm, nhận lì xì của người hâm mộ. Độ nổi tiếng của anh còn thu hút đài truyền hình đến tận làng Menkoupo để ghi hình trực tiếp.
Người dân trong làng bắt đầu hiểu ra: Những buổi phát sóng trực tiếp ngớ ngẩn này kiếm ra tiền. Từ đó, "băng đảng đỏ" đầu tiên xuất hiện với 8 thanh niên trong làng. Họ ăn mặc, cắt tóc giống hệt Li Mugui. Họ lập ra "Gia tộc Đông Phương bất bại".
Ban đầu, những người này "live stream" nói về cuộc sống hàng ngày, những phong tục của làng Menkoupo. Nhưng sau một thời gian, nội dung này không còn hấp dẫn người xem. Họ bắt đầu "cơ cấu" lại. Vẫn giữ nguyên bộ trang phục màu đỏ truyền thống, nhưng tóc tai phải thay đổi. Họ để chung kiểu tóc lạ đời, lăn vào bùn, uống nước bẩn, ăn bột sống, nhảy múa... Những video nhảm nhí này lại thu hút lượng lớn người xem.
Khi "Gia tộc Đông Phương bất bại" ngày càng nổi tiếng, việc phát sóng trực tiếp ở làng Menkoupo bất ngờ tạo thành hiệu ứng đám đông. Nhiều thanh niên từ các làng và thị trấn lân cận kéo đến cùng tham gia. Lúc cao điểm có hơn 30 người cùng "live stream" trong làng. Để "làng livestream" lớn mạnh hơn nữa, nhóm "Gia tộc Đông Phương bất bại" còn chi tiền dựng tấm bảng hiệu "Làng Đỏ Internet" ngay trước lối vào làng.
Tuy nhiên, những buổi phát sóng trực tiếp ở Menkoupo vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng. Các chủ đề về "ngôi làng live stream" thu hút hàng trăm triệu lượt quan tâm trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Hầu hết người dùng phản đối những hàng động có quái đản của những chàng trai áo đỏ.
"Đừng làm những trò điên rồ như thế. Tất cả phải có giới hạn, phần thưởng không phải tất cả. Hãy dừng lại", tài khoản Ming Zheng bình luận. Các nền tảng chia sẻ video phổ biến, như Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) và Kuaishou, sau đó cũng gỡ và chặn những nội dung liên quan đến làng Internet này.
Tấm biển "Làng Đỏ Internet" ở đầu làng cũng bị chính quyền địa phương dỡ bỏ. Mo Shuyuan, Phó thị trấn Ningtan, tỉnh Quảng Tây trả lời báo giới: "Menkoupo không phải 'Làng đỏ nổi tiếng trên Internet'. Những "tag" liên quan làng đỏ, làng idol, làng live stream... cũng được gõ khỏi các mạng xã hội.
Trái với hình dung của mọi người, chỉ ít ngày sau khi tấm biển bị gỡ xuống, các tài khoản liên quan bị đóng. "Làng Đỏ Internet" không chỉ biến mất trên mạng xã hội mà còn phát triển theo những cách lạ lùng hơn.
Trong đoạn video mới lan truyền trên mạng xã hội, một nhóm thanh niên mặc áo bệnh nhân, cạo đầu âm dương lại tiếp tục thao thao bất tuyệt trước ống kính "live stream". Họ vẫn là những người đến từ làng Menkoupo. Những ngày sau đó, video tương tự xuất hiện nhiều.
Những người này dường không muốn quay lại nhịp sống truyền thống, họ tìm mọi cách để kiếm sống bằng live stream, bất chấp sự lên án gay gắt của cộng đồng.
Kim Cương (theo Red Star News)