Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, 49 tuổi, được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada ngày 24/9, vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà.
Nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh về vụ bắt giữ bà Mạnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 25/9 tuyên bố đây là "vụ đàn áp chính trị đối với công dân Trung Quốc" và có những tài liệu đủ để chứng minh bà Mạnh vô tội.
"Cái gọi là cáo buộc gian lận đối với bà Mạnh Vãn Chu hoàn toàn bịa đặt", bà Hoa nói.
Một bài xã luận trên trang tin People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh rằng giám đốc điều hành Huawei, người bị bắt ở Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ vào tháng 12/2018, đã bị giam trong khi "không vi phạm bất kỳ luật nào của Canada" và nói rằng sự việc nhằm đàn áp các công ty công nghệ Trung Quốc.
"Luật mà Mỹ và Canada viện dẫn không khác gì công cụ phục vụ lợi ích của Mỹ", bài xã luận có đoạn. "Bản chất của vụ án Mạnh Vãn Chu là Mỹ cố gắng cản trở hoặc thậm chí can thiệp vào quá trình phát triển của Trung Quốc".
Giám đốc tài chính Huawei không bị kết tội, không phải thụ án và không phải trả tiền phạt. Bà Mạnh không nhận tội, nhưng thừa nhận đưa ra tuyên bố không đúng sự thật về hoạt động của Huawei ở Iran, một trong những chi tiết giúp tháo gỡ "mớ bòng bong" liên quan đến vụ bắt và phiên tòa dẫn độ bà tới Mỹ.
"Khi tham gia thỏa thuận hoãn truy tố, bà Mạnh đã nhận trách nhiệm về vai trò chính trong việc thực hiện kế hoạch lừa gạt tổ chức tài chính toàn cầu", quyền luật sư Mỹ Nicole Boeckmann nói trong một thông cáo báo chí.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không đòi hỏi hình thức hợp tác liên tục từ phía giám đốc tài chính Huawei với cơ quan công tố Mỹ và những cáo buộc chống lại bà Mạnh sẽ được bãi bỏ hoàn toàn vào tháng 12/2022.
Việc bà Mạnh thừa nhận hành vi vi phạm không ảnh hưởng nhiều tới người dân Trung Quốc. Hàng nghìn người theo dõi chuyến bay từ Canada của bà về nước, hơn 430 triệu người đã xem chương trình truyền hình trực tiếp lễ đón bà ở sân bay Bảo An Thâm Quyến tối 25/9. Nhiều người xem việc bà được trả tự do là chiến thắng của nước này, theo giới quan sát.
Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh nói rằng người Trung Quốc thực sự hạnh phúc và phấn khích, vì cảm thấy quốc gia của họ đã trở thành lãnh đạo trong kỷ nguyên số, dù từng là nước đi sau trong cuộc đua cách mạng công nghệ.
"Người Trung Quốc tin rằng điều này cho thấy 'Mỹ chỉ là hổ giấy' và họ không thể đánh bại bạn miễn là bạn không bỏ cuộc", Wang nói về vụ án Mạnh Vãn Chu.
"Các giá trị của Trung Quốc rất đơn giản. Mọi người đều ngưỡng mộ sâu sắc những người yếu thế dám đương đầu thách thức quyền lực", một người dùng Weibo chia sẻ. "Huawei không phải là một công ty tốt hoàn toàn, nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì chiến thắng của họ".
Lu Xiang, nhà nghiên cứu về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói Huawei là đại diện cho tiến bộ nhanh chóng của công nghệ Trung Quốc và là một trong số ít lĩnh vực quốc gia này vượt Mỹ. Lu thêm rằng điều này cũng làm tăng niềm tự hào dân tộc và góp phần thu hút ủng hộ.
"Mỹ đã phạm sai lầm ngay từ đầu khi nhắm vào Huawei", ông nói.
Trong tuyên bố ngày 24/9, Huawei cho biết công ty "sẽ tiếp tục tự bảo vệ trước các cáo buộc được đưa ra tại tòa án quận phía đông New York".
Khi về nước, bà Mạnh được chào đón như người hùng tại Thâm Quyến, quê hương của Huawei, trong một sự kiện được truyền thông mô tả là dấu hiệu về một quốc gia hùng mạnh và thành tựu ngoại giao của Bắc Kinh. Khoảng 100 người đã chào đón bà Mạnh với những bài hát thể hiện tinh thần yêu nước, khi bà bước trên thảm đỏ được trải tới chân cầu thang máy bay.
Một bài bình luận trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã ghi nhận những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để giúp bà Mạnh được thả, so sánh với việc sơ tán công dân Trung Quốc ở những khu vực chiến sự như Yemen và Afghanistan.
"Bất kỳ khi nào đồng bào của chúng tôi gặp nguy hiểm, quốc gia của chúng tôi luôn xuất hiện đúng lúc", bài bình luận nhận được 100.000 lượt thích có đoạn.
Zhu Feng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho rằng vụ Mạnh Vãn Chu là một chiến thắng về mặt tinh thần dân tộc, bởi trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ, Canada đều phải thỏa hiệp và chấp nhận nhượng bộ trong sự việc này.
Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt với cáo buộc gián điệp, cũng được thả ngay sau khi bà Mạnh được trả tự do, cho thấy đây dường như là thỏa thuận theo kiểu "người đổi người".
Zhu nói rằng dù phải từ bỏ cáo buộc với Mạnh Vãn Chu, Mỹ giờ có thể kỳ vọng nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc, vốn đã bế tắc trong thời gian qua.
"Sẽ là cường điệu khi nói rằng điều này giúp chuyển hướng quan hệ Mỹ - Trung, nhưng chắc chắn nó là biểu tượng cho sự kiên cường về mặt ngoại giao và những chiến thuật mới của Trung Quốc", Zhu nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)