Mạnh Vãn Chu, 49 tuổi, được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada ngày 24/9, vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà.
Giám đốc tài chính Huawei sau đó lên máy bay trở về Thâm Quyến, Trung Quốc, kết thúc gần ba năm bị quản thúc tại gia sau khi bị lực lượng chức năng Canada bắt tại Vancouver theo yêu cầu của giới chức Mỹ ngày 1/12/2018. Bà bị cáo buộc nói dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, cố gắng che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua Skycom, được cho là chi nhánh của Huawei.
Trung Quốc sau đó đã thả hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor. Hai người này bị bắt hồi năm 2018 với cáo buộc gián điệp. Canada cho rằng đây là hành động trả đũa và mang động cơ chính trị của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định việc bắt giam hai công dân Canada là hợp pháp, gọi trường hợp của Mạnh Vãn Chu hoàn toàn "mang tính chính trị". Quan hệ giữa hai nước đã rơi xuống đáy và chưa có dấu hiệu cải thiện cho đến trước thời điểm Bắc Kinh thả hai công dân Canada.
Theo giới chuyên gia, việc Mạnh Vãn Chu được trả tự do có thể là tín hiệu tốt cho mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ - Canada, song nó không thể ngay lập tức xoa dịu căng thẳng giữa ba quốc gia.
Ngay cả khi Trung Quốc thả Spavor và Kovrig, mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington và Vancouver vẫn chìm trong ngờ vực, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thoát ra.
Về phía Mỹ, những mối hoài nghi về Huawei vẫn còn. Văn phòng công tố ở Brooklyn cho biết dù việc truy tố Mạnh Vãn Chu đã bị hoãn lại, vụ kiện chống lại gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc với cáo buộc gian lận vẫn tiếp diễn.
Trong thỏa thuận hôm 24/9, Mạnh Vãn Chu không nhận tội, nhưng như một phần của thỏa thuận, bà thừa nhận đã "cố ý cung cấp những lời khai không đúng sự thật".
"Việc Mạnh Vãn Chu được trả tự do khó lòng làm giảm nhiệt quan hệ Mỹ - Trung. Nó thậm chí còn khiến căng thẳng gia tăng khi Trung Quốc tuyên bố họ đã chiến thắng trước các cáo buộc sai trái" từ phía Mỹ, Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson ở Washington DC, nhận xét.
"Cả Trung Quốc và Mỹ có vẻ đều không nhượng bộ khi xử lý sự việc", ông nói thêm. "Bắc Kinh sẽ coi sự trở lại của Mạnh Vãn Chu là minh chứng cho chiến lược ngoại giao con tin. Câu hỏi đặt ra cho Canada và thế giới sẽ là phải làm gì nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến lược này".
"Chúng ta cũng không nên lãng quên thực tế là chính quyền Biden đã kiên quyết coi cạnh tranh với Trung Quốc như một mục tiêu cơ bản trong chính sách đối ngoại của nước này sau khi khép lại cuộc chiến ở Afghanistan", Ethan Paul, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Lập pháp có Trách nhiệm Quincy ở Washington, lưu ý.
Adam Segal, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cũng hoài nghi về việc thỏa thuận thả Mạnh Vãn Chu có thể cải thiện mối quan hệ Mỹ - Trung, cho rằng nó "về cơ bản không thay đổi bất kỳ điều gì".
"Chính quyền Biden sẽ tiếp tục trừng phạt Huawei và Trung Quốc vẫn sẽ cảm thấy bị bắt nạt vì vụ bắt giam Mạnh Vãn Chu", Segal nói. "Tâm lý ngờ vực vẫn còn đó, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ".
Mỹ từ năm 2019 đã cấm bất kỳ nhà cung cấp nào của nước này bán sản phẩm cho Huawei, thực thể mà Washington cho rằng có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ coi Huawei cùng hàng loạt công ty con trực thuộc tập đoàn này là mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời cấm lắp đặt các sản phẩm của Huawei trong mạng viễn thông 5G Mỹ.
Nếu việc thả Mạnh Vãn Chu có thể giúp dẫn đến một mối quan hệ hợp tác hơn giữa Washington và Bắc Kinh, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng ông đã nhượng bộ trước Trung Quốc.
Những cáo buộc như vậy đã nhanh chóng xuất hiện ngay sau khi thỏa thuận được công bố. "Mạnh Vãn Chu đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng chính quyền Biden lại chọn cách xoa dịu Trung Quốc thay vì thực thi pháp luật", Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arkansas Tom Cotton nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)