Không quân Trung Quốc hôm 8/7 tổ chức lễ giới thiệu biến thể tiêm kích tàng hình nâng cấp J-20B với sự tham gia của nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao, trong đó có tướng Trương Hựu Hiệp, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, phụ trách hoạt động phát triển vũ khí cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc, một nguồn tin quân sự cho biết.
"Hoạt động sản xuất hàng loạt J-20B bắt đầu ngày 8/7. Máy bay này cuối cùng cũng trở thành tiêm kích tàng hình hoàn chỉnh, độ nhanh nhẹn của nó đáp ứng các tiêu chí ban đầu", nguồn tin cho biết. "Thay đổi quan trọng nhất là giờ tiêm kích được trang bị hệ thống đẩy vector".
Hệ thống đẩy vector (TVC) cho phép phi công điều khiển máy bay tốt hơn bằng cách chuyển hướng lực đẩy của động cơ, giúp chúng thực hiện các động tác nhào lộn siêu cơ động.
Trung Quốc giới thiệu mẫu tiêm kích J-10C, được trang bị động cơ WS-10 Thái Hành, tại triển lãm hàng không quốc tế ở Chu Hải. Chiếc J-10C có màn biểu diễn các động tác bay khó nhằm chứng tỏ Trung Quốc đã làm chủ thành công công nghệ TVC.
Dù đã sử dụng công nghệ TVC, các tiêm kích J-20B sẽ tiếp tục phải dùng động cơ Saturn AL-31 của Nga do Trung Quốc cần tiếp tục hoàn thiện động cơ WS-15 của mình, nguồn tin cho biết. Động cơ dành cho J-20 của Trung Quốc chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng chương trình phát triển vẫn khá suôn sẻ và có thể hoàn tất trong một hoặc hai năm tới. "Mục tiêu cuối là trang bị cho tiêm kích J-20B động cơ nội địa", nguồn tin cho biết.
Động cơ được coi là "trái tim" của tiêm kích tàng hình Trung Quốc, nhưng những hạn chế về công nghệ khiến "quả tim" này vẫn chưa thể hoàn thiện. Trung Quốc được cho là đã chế tạo 50 tiêm kích tàng hình J-20 tính tới năm 2019, song vấn đề về động cơ làm đình trệ kế hoạch sản xuất tiếp theo.
Trong khi đó, nhà máy lắp ráp của Lockheed Martin tại Fort Worth, bang Texas, Mỹ đã xuất xưởng 134 tiêm kích tàng hình F-35 tới năm 2019, nhiều gấp ba lần kế hoạch đặt ra trước đó.
Trung Quốc biên chế những chiếc J-20 đầu tiên năm 2017, khi Mỹ quyết định triển khai hơn 100 chiếc F-35 tới Nhật Bản và Hàn Quốc.
J-20 được xếp vào nhóm tiêm kích thế hệ 5, tương đương F-22 Raptor và F-35 Lightning của Mỹ. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây gọi biến thể đời đầu của J-20 là "tiêm kích đánh chặn chuyên dụng" thay vì tiêm kích thế hệ 5 đúng nghĩa, do mẫu máy bay này có độ cơ động không cao.
"J-20B ra mắt đồng nghĩa đây là mẫu tiêm kích thế hệ 5", nguồn tin cho biết. "Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô (CAC), hãng sản xuất J-20, đã nhận được đơn hàng lớn từ PLA". CAC đã lắp đặt dây chuyền sản xuất J-20 thứ tư vào năm 2019, mỗi dây chuyền có khả năng sản xuất một tiêm kích mỗi tháng.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)