Trang tin quân sự Chaoji Da Benying của Trung Quốc hồi cuối tháng 2 công bố hình ảnh tiêm kích tàng hình J-20 vừa hoàn tất chuyến bay thử. Giới chuyên gia phương Tây nhanh chóng chỉ ra hai hệ thống mới xuất hiện trên phi cơ này, với hàng loạt đặc điểm giống hệt thiết bị chỉ có ở siêu tiêm kích F-35 Mỹ.
Chiếc J-20 trong bức ảnh có màu sơn vàng và xám, cho thấy nó mới xuất xưởng và chưa mang lớp sơn tàng hình. Ảnh chụp cận cảnh cho thấy một phần cụm camera phân bổ khẩu độ (DAS) ở sau mũi máy bay có thiết kế rất giống hệ thống AN/AAQ-37 trên tiêm kích F-35.
Tổ hợp DAS của F-35 gồm 6 cảm biến quang - điện tử trên thân và kết nối với chiếc mũ bay trị giá 400.000 USD, mang lại tầm nhìn 360 độ không giới hạn cho phi công. Hệ thống AN/AAQ-37 được ví như "thiên nhãn" vì khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, giúp phi công quan sát mọi hướng mà không bị khuất tầm nhìn, đồng thời cảnh báo các mối đe dọa như tên lửa đối phương.
Tài khoản Pingtian trên trang Chaoji Da Benying còn chỉ ra rằng chiếc tiêm kích J-20 trong bức ảnh cũng được trang bị Hệ thống Thoát hiểm Kích hoạt bằng nước biển (UWARS) giúp nó có thể tác chiến trên đại dương.
UWARS là hệ thống ngòi nổ chạy bằng pin và được kích hoạt bởi nước biển, xuất hiện trên nhiều tiêm kích không quân và hải quân Mỹ. Cảm biến của UWARS sẽ tự động cắt dù khi phát hiện phi công ngâm mình trong nước biển, tránh tình huống dù quấn quanh người và làm phi công chết đuối.
Bắc Kinh từng sao chép nhiều tính năng của siêu tiêm kích F-35, trong đó có tổ hợp trinh sát dẫn bắn quang - điện tử (EOTS) nằm dưới mũi máy bay, được sử dụng để phát hiện mục tiêu và dẫn dường cho vũ khí thông minh mà không cần tới radar. Hệ thống trên J-20 và F-35 có hình dáng giống nhau, đều được lắp đặt dưới mũi tiêm kích, khác kiểu thiết kế EOTS nằm trên mũi, trước buồng lái của tiêm kích Nga và NATO.
Trung Quốc đã đưa J-20 vào biên chế từ đầu năm 2018, dường như là nỗ lực vội vàng nhằm đưa ra giải pháp đối phó với bộ đôi F-22 và F-35 của Mỹ. Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc sẽ còn mất nhiều thời gian để phát triển được những công nghệ, vũ khí hiện đại để giúp J-20 có thể đối đầu với các tiêm kích tàng hình Mỹ.
Năm 2007, tin tặc Trung Quốc từng đánh cắp tài liệu kỹ thuật của dòng F-35 từ tập đoàn Lockheed Martin. Các nhà thầu quốc phòng của Australia góp mặt trong dự án F-35 cũng trở thành mục tiêu của tin tặc Trung Quốc trong thời gian gần đây. Giới quan sát cho rằng đây là những trường hợp cho thấy Trung Quốc đang tăng cường đánh cắp bí mật công nghệ của nước ngoài để áp dụng cho các chương trình vũ khí nội địa của mình.