"Trung Quốc coi luật là công cụ của nước mạnh để kiểm soát các nước yếu hơn, chứ không nhìn nhận luật là cơ chế chung dành cho tất cả", Giáo sư James Kraska, Trung tâm luật quốc tế Stockton, Trường Hải chiến Mỹ, nói trong thảo luận trực tuyến sáng 22/5.
Cuộc trao đổi về phán quyết Biển Đông do Diễn đàn Thái Bình Dương, Mỹ và Hội đồng Yokosuka chuyên về các vấn đề của châu Á - Thái Bình Dương (YCAPS) tổ chức.
Phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra nhằm tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông. Tại khu vực này, Trung Quốc tranh chấp với một số thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Theo Kraska, Trung Quốc khá lúng túng sau phán quyết do không quen với khái niệm luật lệ chung. Riêng ở Đông Á, Bắc Kinh từ lâu đã đóng vai trò chi phối, không xử lý quan hệ với các nước trên cơ sở bình đẳng.
Kraska khẳng định hành động gần đây của Trung Quốc, tuyên bố thành lập cái gọi là "quận Nam Sa và Tây Sa" thuộc "thành phố Tam Sa" hôm 18/4, là hành động trái luật.
"Bắc Kinh đòi có thành phố lớn nhất thế giới, với diện tích lên đến hai triệu km2", ông nói. Giáo sư người Mỹ cho rằng Trung Quốc nỗ lực kiểm soát Biển Đông vì muốn biến khu vực này thành vùng đệm, giúp Bắc Kinh có ảnh hưởng ngang với Mỹ và giữ các nước láng giềng trong vòng kiểm soát của mình.
Đánh giá tầm quan trọng của phán quyết, Nguyễn Hồng Thao, Phó chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), cho biết PCA lần đầu tiên đưa ra giải thích rõ ràng về quyền của các bên theo Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Kết luận của PCA trong 2016 không chỉ tác động đến các bên có tranh chấp, mà còn có giá trị với các nước ngoài khu vực, xét về phương diện áp dụng UNCLOS.
"Theo phán quyết, phần giữa Biển Đông xuất hiện vùng Biển cả và Vùng đáy biển, là di sản chung của loài người, là nơi các nước được hưởng các quyền tự do đi lại. Điều đó có nghĩa Biển Đông trở thành vấn đề quốc tế, chứ không phải vấn đề khu vực hay song phương", ông Thao nói.
Trả lời câu hỏi về biện pháp khiến Trung Quốc tuân thủ phán quyết 2016, Kraska nêu ba khuyến nghị.
Thứ nhất, các nước ASEAN có thể tránh bị Bắc Kinh chi phối về kinh tế nếu mở rộng hợp tác với các đối tác ngoài khu vực khác. Trung Quốc từng dùng chuối của Philippines để giành ảnh hưởng. Năm 2012, Bắc Kinh dừng nhập sản phẩm này sau khi hai bên đụng độ tại bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, khi tình hình ở bãi cạn lắng dịu, Bắc Kinh năm 2018 trở thành nước nhập khẩu chuối nhiều nhất của Manila.
Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản có thể trở thành đối thác thương mại lớn của ASEAN, Kraska nói.
Tuy nhiên, các nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cần thận trọng trong quan hệ với Bắc Kinh, vì họ không thể thay đổi vị trí địa lý của mình.
Đề xuất thứ hai, trên phạm vi thế giới, Kraska cho rằng các nước nên thúc đẩy xu hướng chuyển nguồn nhập hàng trong chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka có thể trở thành các điểm cung ứng thay thế hiệu quả. Trên thực tế, Nhật Bản hồi đầu tháng 4/2020 tuyên bố sẽ dành 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, do ảnh hưởng của Covid-19.
Thứ ba, cộng đồng quốc tế cần xem xét biện pháp trừng phạt khi Trung Quốc không tuân thủ phán quyết Biển Đông.
Nhiều nước trên thế giới đã phải chịu trừng phạt khi vi phạm luật pháp quốc tế. "Các nước cần để Bắc Kinh thấy họ cũng phải gánh hậu quả tương tự", Kraska nói.
Trong phạm vi khu vực, ông Thao lưu ý phán quyết của PCA cũng mở ra cơ hội để ASEAN tăng kiềm chế xung đột và cơ chế hợp tác. Ông cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) mà ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc là cơ chế hiệu quả để xử lý vấn đề Biển Đông.
"Khi đàm phán COC, các nước, gồm cả Trung Quốc, sẽ phải xem xét lập trường của mình tuân theo UNCLOS. Công ước là hiến pháp trên biển dành cho tất cả các quốc gia", ông Thao nói.