Sách trắng chống Covid-19, được công bố hôm 7/6 trong cuộc họp báo tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, thể hiện cách tiếp cận của họ như hình mẫu cho thế giới. Bắc Kinh cho biết họ đã rất nỗ lực xác định virus, ngăn chặn sự lây lan và cảnh báo các quốc gia khác. Họ giảm nhẹ hoặc không đề cập đến những sai lầm của chính phủ khi dịch mới bùng phát.
Trong Sách trắng, các quan chức địa phương và tỉnh được mô tả là hành động quyết đoán. Trung Quốc đã cung cấp thông tin chi tiết cho WHO từ ngày 3/1, trong khi các nhà khoa học Trung Quốc nhanh chóng công bố trình tự gene. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được mô tả là đóng vai trò nòng cốt trong suốt khủng hoảng.
"Đối mặt trước virus này, người dân Trung Quốc đã đoàn kết để cùng nhau chung sức", báo cáo cho biết. "Họ đã thành công ngăn chặn virus lây lan. Trong trận chiến này, Trung Quốc sẽ luôn sát cánh cùng các nước khác".
Trong khi đó, hãng tin Mỹ AP cho rằng hơn một tuần sau khi ba phòng thí nghiệm của chính phủ giải mã đầy đủ thông tin, Trung Quốc mới công bố bản đồ gene nCoV. Thêm vào đó, họ còn trì hoãn ít nhất thêm hai tuần trước khi cung cấp cho WHO dữ liệu chi tiết về các ca nhiễm và bệnh nhân, theo bản ghi âm các cuộc họp nội bộ hồi tháng một của WHO.
Báo cáo không đề cập đến việc bác sĩ bị cảnh sát khiển trách vì cảnh báo sớm về virus. Bác sĩ Lý Văn Lượng cuối tháng 12/2019 cảnh báo trong một nhóm trò chuyện trên mạng với các đồng nghiệp về virus gây bệnh viêm phổi lạ giống SARS. Sau đó, anh bị cảnh sát triệu tập và phải viết biên bản thừa nhận hành vi "tung tin nhảm". Bác sĩ Lý đã chết vì nCoV và được Trung Quốc truy phong danh hiệu liệt sĩ.
Họ cũng không nhắc đến việc các quan chức địa phương chậm trễ báo cáo các ca nhiễm và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch cùng những người bị sa thải sau đó. Thay vào đó, các quan chức được khen ngợi vì đã tận tụy cống hiến đánh bại virus.
Thực tế, hồi giữa tháng một, Vũ Hán vẫn cho tổ chức đại tiệc với sự tham gia của 40.000 gia đình trong nỗ lực lập kỷ lục thế giới. Giới chuyên gia thường nhắc đến sự kiện này như bằng chứng cho thấy các lãnh đạo địa phương đã coi nhẹ dịch bệnh.
Báo cáo cũng không cung cấp thông tin mới về nguồn gốc virus. Trong cuộc họp báo, một quan chức hàng đầu Trung Quốc gọi các cáo buộc về hành vi của Bắc Kinh là "hoàn toàn phi lý", ám chỉ việc chính quyền Trump nhiều lần cho rằng Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Trump và Ngoại trưởng Pompeo nhiều lần nêu giả thuyết nCoV bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc.
Từ Lân, người đứng đầu Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, miêu tả cách Trung Quốc xử lý bằng những ngôn từ hào hùng. Ông nói "cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc là phi thường và nên được ghi nhớ mãi mãi".
Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc phàn nàn về những chỉ trích của nước ngoài về cách Trung Quốc xử lý Covid-19, nói rằng họ đã "dồn lực bôi nhọ Trung Quốc". "Hành vi đó là làm lây lan virus chính trị và để đáp trả các hành vi chính trị hóa đó, Trung Quốc tất nhiên phải phản bác một cách kiên quyết", ông nói.
Ông Mã đưa ra bằng chứng cho thấy Trung Quốc minh bạch là 480 nhà báo từ truyền thông nhà nước đã chấp nhận rủi ro khi đến Vũ Hán và phần còn lại của tỉnh Hồ Bắc để đưa tin. Phát biểu duy nhất của ông ám chỉ Trung Quốc có thể đã gặp khó khăn trong việc xử lý dịch bệnh là "họ đã phát hiện ra một số vấn đề và thúc giục giới chức đưa ra giải pháp".
Báo cáo này cũng nhấn mạnh sự hợp tác với Mỹ. Họ cho biết các lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và CDC Trung Quốc đã điện đàm ngày 4/1 và một lần nữa 4 ngày sau đó. Trong cuộc gọi đầu tiên, quan chức Trung Quốc đã thông báo với Mỹ về bệnh viêm phổi mới, hai bên đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ về chia sẻ thông tin và hợp tác về các vấn đề kỹ thuật.
Theo tài liệu được cho là báo cáo của liên minh tình báo Ngũ Nhãn do Australia Daily Telegraph công bố, ngày 6/12/2019, 5 ngày sau khi một người đàn ông liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán có triệu chứng giống viêm phổi, vợ anh ta cũng mắc bệnh, cho thấy có dấu hiệu virus lây từ người sang người. Tuy nhiên, ngày 20/1, Trung Quốc mới thừa nhận virus lây từ người sang người.
Trong khi đó, Mã Hiểu Vĩ, Chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc đã không che đậy dịch bệnh. "Chúng tôi không trì hoãn công bố thông tin", ông nói.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh các công tác chuẩn bị để đảm bảo rằng họ sẽ nhanh chóng phát hiện bất kỳ dịch bệnh nào trong tương lai, hứa hẹn "sẽ phát triển một hệ thống cảnh báo sớm thông minh". Ông không giải thích vì sao hệ thống cảnh báo sớm hiện có, được triển khai sau cuộc khủng hoảng SARS vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003, đã không có hiệu quả trong Covid-19.
Cuộc họp báo cũng cho thấy ông Tập đã tập trung toàn bộ quyền lực vào tay mình. Ông Tập phát biểu công khai về virus rất ít trong những ngày đầu dịch bùng phát và đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar vào giữa tháng một, khi virus hoành hành mạnh ở Vũ Hán. Ông đã điều Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Vũ Hán ngay sau khi thành phố bắt đầu đầu phong tỏa ngày 23/1 và giao cho ông Lý chịu trách nhiệm cách phản ứng của chính phủ.
Nhưng Sách trắng gần như không đề cập đến ông Lý, trong khi ông Tập được ca ngợi rất nhiều. Ông được mô tả là một chỉ huy kiên quyết trong trận chiến, đưa ra các quyết định quan trọng mỗi tuần và đôi khi mỗi ngày.
Báo cáo nói rằng ông Tập đã tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 kể từ ngày 7/1 nhưng không nêu cụ thể vai trò. Đến cuối tháng hai, ông kêu gọi nỗ lực lớn hơn, huy động nguồn lực của cả nước để tiếp sức cho Vũ Hán và Hồ Bắc. Đến cuối tháng hai, ông nói rằng "đất nước đã giành chiến thắng quan trọng trong việc bảo vệ Vũ Hán và Hồ Bắc trước Covid-19 và đạt được thành công chiến lược lớn trong các nỗ lực kiểm soát trên toàn quốc".
"Ông Tập đã đưa ra những quyết định trọng yếu vào những thời điểm quan trọng và lãnh đạo người dân Trung Quốc trong một cuộc chiến toàn diện", ông Từ nói.
Kể từ tháng ba, giới chuyên gia đã đánh giá Trung Quốc "cố gắng viết lại câu chuyện về Covid-19", sử dụng tình thế trái ngược giữa họ và các nước khác để thúc đẩy quan điểm họ là đầu tàu chống dịch, "tung hỏa mù" để khiến mọi người quên đi các sai lầm ban đầu.
Khi Mỹ và các quốc gia khác vẫn chật vật kiềm chế virus, Trung Quốc đã trở lại với cuộc sống bình thường. Khu vực có nguy cơ cao còn lại của họ là một quận ở thành phố Cát Lâm ở miền đông bắc đã hạ thấp mức độ ứng phó dịch hôm 7/6. Thành phố Bắc Kinh hôm 5/6 cho phép người dân có thể không đeo khẩu trang nếu ở ngoài trời và giữ khoảng cách với nhau.
"Cách toàn cầu nhìn nhận hành động của Trung Quốc có ý nghĩa lớn với Bắc Kinh", Keith Bradsher, ký giả của NYTimes viết. "Việc Trung Quốc bị bêu riếu hay được ca ngợi có thể có ảnh hưởng lớn đến vị thế toàn cầu của Bắc Kinh trong những tháng và năm tới, đồng thời tác động đến khả năng tiếp tục đóng vai trò quyết liệt hơn trong các tổ chức quốc tế và các vấn đề địa chính trị".
Phương Vũ (Theo NYTimes)