Tờ Saturday Telegraph của Australia ngày 2/5 công bố tài liệu 15 trang mà họ thu thập được từ liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Canada, trong đó cáo buộc Trung Quốc cố tình "làm chìm xuồng hoặc hủy hoại" bằng chứng về Covid-19, đại dịch đã khiến gần 250.000 người trên thế giới tử vong.
Tài liệu tình báo này cho rằng chính phủ Trung Quốc che đậy thông tin về virus bằng cách bác bỏ khả năng lây từ người sang người của nCoV, "bịt miệng" các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine. Họ cho rằng hành động này của Bắc Kinh "gây nguy hiểm cho các nước khác" và không khác gì "đòn công kích vào sự minh bạch quốc tế".
Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt các công cụ tìm kiếm từ đầu tháng 12/2019 để ngăn việc tìm kiếm thông tin về nCoV trên Internet, báo cáo của Ngũ Nhãn cho biết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đó ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc và cũng phủ nhận khả năng virus truyền từ người sang người, bất chấp lo ngại của nhiều nước trên thế giới.
Báo cáo cho hay Trung Quốc có thể phát hiện bằng chứng nCoV lây từ người sang người vào đầu tháng 12/2019, song phủ nhận điều này cho tới 20/1. Trung Quốc áp lệnh cấm di chuyển toàn quốc, song lại tuyên bố lệnh cấm đi lại trên thế giới là không cần thiết.
Báo cáo của liên minh Ngũ Nhãn còn cho hay một số cơ quan tình báo trong liên minh tin rằng nCoV có thể lọt ra từ Viện Virus học Vũ Hán. Giả thuyết này bị coi là thuyết âm mưu và nhiều lần bị giới chức Trung Quốc bác bỏ.
Tình báo Mỹ chưa xác nhận về sự tồn tại của tài liệu 15 trang trên, nhưng một quan chức cấp cao nước này nói với Fox News báo cáo đó phù hợp với quan điểm của tình báo Mỹ rằng Trung Quốc biết việc nCoV lây từ người sang người sớm hơn những gì họ thông báo, rằng họ biết chủng virus này lây lan mạnh hơn những gì nước này tuyên bố với cộng đồng quốc tế trong những tuần đầu tiên dịch bùng phát.
Tuy nhiên, trong nội bộ Ngũ Nhãn vẫn tồn tại bất đồng quan điểm về nguồn gốc virus. Tình báo Australia tin rằng nCoV khởi phát từ một chợ hải sản tươi sống ở Vũ Hán, trong khi tình báo Mỹ chưa đưa ra kết luận cuối cùng về khả năng này và vẫn xem xét khả năng virus bị vô tình lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Nguồn gốc nCoV là chủ đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và nhiều nước khác, trong đó có Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/4 tuyên bố đã thấy bằng chứng virus có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán, song không nêu chi tiết.
Trung Quốc bác bỏ mọi giả thuyết về việc nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm, đồng thời hối thúc các nước không "chính trị hóa" virus và để việc tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 cho giới khoa học.
Giám đốc Phản ứng Khẩn cấp của WHO Michael Ryan ngày 1/5 khẳng định nCoV có "nguồn gốc tự nhiên" và điều cần làm hiện nay là xác định vật chủ của virus. Ryan cho biết WHO liên tục lắng nghe các nhà khoa học tham gia nghiên cứu trình tự gene của virus để tìm hiểu cách "hàng rào giống loài giữa người và động vật bị phá vỡ", tạo điều kiện cho nCoV lây sang người.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 3,5 triệu ca nhiễm nCoV, gần 245.000 người chết và hơn 1,1 triệu người đã hồi phục.
Nguyễn Tiến (Theo NYPost)