"Trung Quốc giành được sự ủng hộ chân thành trong khu vực Nam Thái Bình Dương. Họ ca ngợi Trung Quốc là đối tác tốt và người bạn thực sự, cam kết sẽ tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và tin chắc phát triển quan hệ với Trung quốc sẽ giúp họ đứng về lẽ phải của lịch sử", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong trả lời phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần qua.
Ông Tạ, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ và châu Đại Dương, cũng có mặt trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị đến các quốc gia Thái Bình Dương đầu tháng này. Tuy nhiên, chuyến đi của ông Vương không thu hút được sự ủng hộ cho thỏa thuận an ninh và thương mại rộng rãi với 10 quốc gia Nam Thái Bình Dương.
Nam Thái Bình Dương trở thành khu vực gây chú ý sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Quần đảo Solomon hồi tháng 4, gây ra phản ứng dữ dội từ Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Theo ông Tạ, hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon được tiến hành dựa trên yêu cầu của quốc đảo Thái Bình Dương này. Ông cáo buộc Mỹ và đồng minh từ lâu đã bỏ bê khu vực, sử dụng các quốc đảo Thái Bình Dương như "con tốt trong cạnh tranh địa chính trị".
"Hành động của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với việc một số quốc gia khác bỏ mặc, sử dụng các quốc đảo làm nơi cung cấp nguyên liệu thô, bãi chứa hàng hóa, bãi chứa chất thải hạt nhân và các căn cứ chuỗi đảo tiền tiêu", ông nói.
"Khu vực Nam Thái Bình Dương phải là sân khấu lớn để tất cả các bên hợp tác, chứ không phải võ đài quyền Anh cho những cuộc chơi một mất một còn".
Theo Bloomberg, Bắc Kinh đã mở chương trình đào tạo cảnh sát ở Quần đảo Solomon từ 7/6 đến 11/6, tại trụ sở của Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Hoàng gia Solomon, bao gồm các bài diễn tập tự vệ, phản công cũng như các kỹ năng sinh tồn cơ bản.
Quần đảo Solomon cho biết họ sẽ không cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự, song Mỹ, Australia, New Zealand và Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc hiện diện quân sự trong khu vực. Ông Tạ hồi tháng 4 từng chỉ trích phản ứng của phương Tây đối với hiệp ước an ninh này.
"Các quốc gia này có quyền gì khi đưa ra những bình luận không xác đáng về Trung Quốc và Quần đảo Solomon? Australia dùng tư cách gì để vạch 'lằn ranh đỏ' giữa Quần đảo Solomon cách họ 2.000 km và Trung Quốc cách họ 16.000 km", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó cho hay.
Nhưng Shi Yinhong, một chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, bày tỏ lo ngại về căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng ở Nam Thái Bình Dương. Ông cho biết chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ mới của Australia nhậm chức, cho thấy Bắc Kinh không ưu tiên cải thiện mối quan hệ với Canberra.
"Có vẻ như bằng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã hoàn toàn phớt lờ những lo ngại của Canberra. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh không nghĩ rằng quan hệ hai nước có thể được cải thiện trong tương lai gần", ông nói.
Huyền Lê (Theo SCMP)