Truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục đưa tin về các chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới trang trại cá, ruộng lúa và cánh đồng nho ở Ninh Hạ, dạo qua cánh đồng hoa ly ở Sơn Tây hay thăm trang trại nấm ở Thiểm Tây.
Những hình ảnh này phản ánh tầm nhìn về chính sách mới nhất mà ông Tập đề ra, đó là hồi sinh nông thôn. Hàng tỷ USD sẽ được rót vào các dự án cải tạo nông thôn, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện sinh thái và kết nối với các đô thị lớn, nơi phần lớn khu vực nông thôn xung quanh bị bỏ lại phía sau.
Giai đoạn đầu của nỗ lực này được công bố cuối năm 2018 và sẽ kết thúc vào 2022. Giai đoạn tiếp theo là hiện đại hóa nông nghiệp vào 2035 và chuyển đổi hoàn toàn nông thôn vào năm 2050 để khớp với mục tiêu đưa Trung Quốc lên vị thế siêu cường toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, khi quốc gia này kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2049. Trung Quốc đặt mục tiêu biến những khu vực như Sơn Đông hay Cát Lâm thành các vành đai nông nghiệp rộng lớn giống Mỹ.
Tuy nhiên, mục tiêu này đối mặt rất nhiều thách thức. Ở Sơn Đông, hàng nghìn ngôi nhà đã bị phá dỡ từ tháng 3, khi các quan chức chính quyền địa phương cho rằng họ đã được bật đèn xanh để san phẳng khoảng 8.000 căn nhà ở các ngôi làng và lên kế hoạch đưa người dân vào sinh sống ở những thị trấn gần đó.
Nhưng khi một nhóm học giả lên tiếng cảnh báo, người ta mới biết những người nông dân này đang trong tình trạng vô gia cư, bởi nhà của họ bị giải tỏa trước khi thống nhất được thỏa thuận đền bù và tái định cư với chính quyền.
Hồi giữa tháng 6, sau khi một số học giả nêu lên các vụ nông dân bị đuổi khỏi nhà, Li Hu, giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Sơn Đông, thừa nhận chiến dịch sáp nhập làng vào thị trấn đã không được lên kế hoạch thấu đáo và thực hiện đúng cách.
Chiến dịch đã "đe dọa quyền được sống của dân làng", Liu Shouying, trưởng khoa kinh tế Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói. Chính quyền các địa phương không công bố số liệu về những người bị mất nhà cửa trong quá trình "giải tỏa nông thôn" như vậy.
Kristen Looney, giảng viên đại học Georgetown ở thủ đô Washington, Mỹ, cho rằng giới chức nhiều địa phương ở Trung Quốc đã hiểu sai chính sách "hồi sinh nông thôn" gắn liền với "đô thị hóa kiểu mới" của ông Tập, dẫn đến cách thực hiện sai lầm.
Bà Looney, người từng thực hiện nhiều chuyến thực địa tới Trung Quốc, cho hay một số nông dân Sơn Đông phải chờ tới hai năm để được xây nhà mới và không có gì đảm bảo họ sẽ được vào ở trong các chung cư mới ở thị trấn. "Điều này biến họ trở thành người vô gia cư trong hai năm", bà nói.
Trong vài thập kỷ qua, nhiều ngôi làng nông thôn Trung Quốc trở nên tụt hậu vì vị trí địa lý không thuận lợi, hoặc dân cư trở nên thưa thớt bởi những người có trình độ đã di cư tới các khu vực thành thị ở miền đông để tìm việc và đi học.
Dân làng chủ yếu là người già hoặc trẻ em, ngôi làng chỉ đông đúc mỗi khi xuân đến, bởi người làng từ khắp nơi về quê ăn Tết.
Động thái đầu tiên của ông Tập nhằm giải quyết vấn đề này là đề ra một chương trình xóa đói giảm nghèo năm 2014, trong đó yêu cầu chính quyền địa phương tìm mọi cách nâng thu nhập cho các hộ gia đình lên trên mức nghèo đói 408 USD/năm.
Về lý thuyết, mục tiêu này đang trong tầm tay. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 5 cho hay Trung Quốc có hơn 600 triệu người sống với mức thu nhập 135 USD/tháng, tương đương 1.590 USD/năm.
Covid-19 làm tăng áp lực lên chính phủ trong việc đưa ra cam kết về chuyển đổi kinh tế nông thôn trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia tăng trưởng chậm lại và nhiều người trong số 300 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc vẫn ở lại quê sau đợt bùng phát dịch hồi đầu năm.
Công cuộc hồi sinh nông thôn của Trung Quốc đang bắt đầu. Những khẩu hiệu như "nông nghiệp xanh" hay "trang trại điển hình" được sử dụng rộng rãi. Chính quyền địa phương một số nơi ưu tiên các trang trại lớn, quy mô công nghiệp giống ở Mỹ.
Một số nơi khác tìm cách phát triển trang trại quy mô nhỏ hơn theo hướng chuyên môn hóa để mang lại lợi nhuận cao hơn, đặc biệt tại những vùng không có địa thế phát triển nông trại quy mô công nghiệp. Họ ưu tiên phát triển giống hoa quả chuyên canh, giống rau đặc sản, thảo mộc, trà và các sản phẩm tận dụng lợi thế địa lý và khí hậu đặc thù.
Trang trại hữu cơ Teshi cách Thâm Quyến khoảng một giờ lái xe về phía đông bắc là một trong những công ty chuyên cung cấp đặc sản với hy vọng thúc đẩy làn sóng hồi sinh nông thôn.
"Chúng tôi không đặt trọng tâm vào sản xuất, mà là phát triển trang trại thành nền tảng cho những loại hình kinh doanh khác như du lịch, giáo dục và giảng dạy đào tạo kỹ thuật nông nghiệp", Xu Bin, giám đốc Teshi, nói.
Teshi cũng thương thảo với chính quyền địa phương để tiếp quản những trang trại khác trong khu vực. Họ sẽ thuê đất của nông dân và tuyển nông dân làm công nhân, thực hiện kỹ thuật canh tác hữu cơ, để nông dân làm việc như người điều hành các homestay được cải tạo từ nhà của họ.
Teshi đang trong quá trình cải tạo một số công trình lớn gần trang trại thành các trung tâm giáo dục cho sinh viên tới tham quan và trở thành cơ sở dạy học cho thanh niên địa phương. Trung Quốc cũng bắt đầu trợ cấp cho các doanh nhân muốn quay lại quê hương.
Tuy nhiên, Matt Chitwood, nghiên cứu viên Viện các Vấn đề Thế giới Đương đại có trụ sở tại Washington, Mỹ, cho rằng đó là một nỗ lực mạo hiểm. Chitwood đã sống hai năm trong ngôi hàng miền núi Bang Đông, tỉnh Vân Nam.
Tại một nơi như Bang Đông, địa phương có nền kinh tế dựa vào đặc sản nông nghiệp như trà, giá cả hàng hóa thường thay đổi. Giá trà chạm đáy năm 2007-2008, khiến các doanh nhân mới trong làng mất sạch tiền đầu tư.
"Một người bạn của tôi đã bán hết gia súc vào đầu tư trồng chè và mất sạch khoản tiết kiệm cả đời", Chitwood nói.
Ngành công nghiệp trà đang hồi sinh ở khu vực này và trở thành nguồn sinh kế chính của cộng đồng. "Chính sách trợ cấp khuyến khích người dân quay lại, nhưng nếu không có lợi ích đi kèm như nhà máy chế biến hay một lãnh đạo địa phương có tầm nhìn xa để phát triển du lịch hoặc thứ gì đó tương tự, bạn sẽ làm gì?" Chitwood nói. "Tôi cho rằng lúc đó thị trường sẽ quyết định mọi thứ".
Ý tưởng về việc dân làng sẽ tự xây dựng được các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế hiện đại là một thách thức rất lớn. Nhiều người ở đây không được đào tạo hoặc có rất ít kiến thức về kinh doanh cũng như không quen thuộc với thị trường mà họ hướng tới.
"Tôi cho rằng đây là điều khó giải quyết nhất với chính phủ Trung Quốc", Chitwood nói về tình trạng thiếu nhân lực có trình độ kinh tế ở nông thôn. "Đây không phải câu hỏi dễ trả lời. Trong công cuộc hồi sinh nông thôn và xóa đói giảm nghèo, tôi nghĩ chiến lược cốt lõi dài hạn là giáo dục".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)