Nguồn tin của Bloomberg cho biết, vài ngày tới, các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận về tiến trình thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Cuộc họp có thể diễn ra sớm nhất là ngay trong tuần này. Thời gian chính xác vẫn chưa được công bố.
Ngoài việc mua nông sản và tỷ giá đồng đôla Mỹ - nhân dân tệ, quan chức Trung Quốc dự định đề cập đến sắc lệnh gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump - cấm cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent - công ty mẹ của TikTok, WeChat. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Trung Quốc kỳ vọng đạt được kết quả gì về vấn đề này.
Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu căng thẳng với Mỹ, trong bối cảnh các hãng công nghệ hàng đầu của họ là mục tiêu của giới chức Mỹ. Mới đây nhất, Mỹ gây sức ép buộc ByteDance bán mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ cho Microsoft. Trump cũng ra sắc lệnh cấm giao dịch của Mỹ với Tencent Holdings - chủ sở hữu ứng dụng WeChat với hơn một tỷ người dùng.
Sắc lệnh của Trump, dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 9, có khả năng tác động rộng hơn so với các động thái nhằm vào đại gia viễn thông Huawei Technologies. Vì chúng đe dọa cắt đứt kênh giao tiếp giữa người dân hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ lập luận rằng các ứng dụng Trung Quốc thu thập thông tin công dân họ, gây ra rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng vì dữ liệu có khả năng rơi vào tay chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận điều này.
Trong khi quan hệ Mỹ - Trung gần đây xấu đi vì nhiều lý do, từ Covid-19 đến luật an ninh mới của Hong Kong, thỏa thuận thương mại là một trong số ít lĩnh vực hai nước vẫn đang hợp tác. "Có một lĩnh vực hai nước đang tham gia là thương mại," Kudlow cho biết trong cuộc họp báo hôm qua (11/8), "Hiện tại việc này vẫn ổn".
Bảy tháng sau khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, việc thực hiện cam kết mua hàng Mỹ của Trung Quốc đang chậm tiến độ. Tính đến cuối tháng 6, Bắc Kinh mới mua một phần tư trong cam kết mua hơn 170 tỷ USD hàng hóa của Mỹ năm nay. Dù vậy, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng Trung Quốc đã tăng "đáng kể" việc mua hàng Mỹ.
Phiên An (theo Bloomberg)