Tại Trung Quốc, từ "tin đồn" đã có thêm ý nghĩa khác kể từ sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người từng bị chính quyền cảnh cáo vì cho rằng lan truyền thông tin thất thiệt về Covid-19.
Thay vì mang nghĩa hoài nghi, thiếu chính xác, nhiều người Trung Quốc giờ đây cho rằng "tin đồn" có thể là "sự thật phiền phức" mà giới chức muốn che giấu, ví dụ như nỗ lực cảnh báo về Covid-19, dịch bệnh khiến hơn 2.900 người chết ở quốc gia này, trong đó có bác sĩ Lý.
"Tin đồn chỉ là một lời tiên tri đi trước thời đại" là một bình luận được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ở Trung Quốc vài tuần qua. Điều này cho thấy sự phẫn nộ của nhiều người Trung Quốc về công tác kiểm duyệt của chính phủ, khi một số thông tin bất lợi bị coi là "tin đồn nhảm" và người nói ra sẽ bị đe dọa hoặc trừng phạt.
Trung Quốc đã phải trả giá cho việc "che giấu" sự thật. Nếu lời cảnh báo của bác sĩ Lý và nhiều nhân viên y tế không bị phớt lờ, họ có thể đã giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng và có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với Covid-19, khiến hơn 88.000 người nhiễm, hơn 3.000 người chết và hàng trăm triệu người bị phong tỏa theo nhiều hình thức khác nhau.
Người đàn ông đeo khẩu trang ở thành phố Thượng Hải hôm 20/2. Ảnh: Reuters. |
Việc giới chức Vũ Hán không tiết lộ sự thật về Covid-19 ngay từ đầu còn gây ra một vấn đề khác, đó là làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của công chúng, khiến nước này ngày càng khó khăn trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch.
Ngay khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 1, một thuyết âm mưu lập tức xuất hiện cho rằng nCoV là virus nhân tạo. Giới khoa học Trung Quốc và phương Tây đã nhanh chóng bác bỏ thông tin trên, khi công bố nghiên cứu cho thấy virus này nhiều khả năng có nguồn gốc từ loài dơi, truyền sang người từ vật trung gian, giống như virus gây dịch SARS trước đây.
Thế nhưng, nghiên cứu khoa học này không đủ sức ngăn tin đồn tiếp tục lan rộng và giúp nhà chức trách dập tắt những lời cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ.
Khi nCoV ngày càng lan rộng và giết chết nhiều người hơn, thuyết âm mưu càng trở nên phức tạp, khi nhiều người nhắm mục tiêu đến trung tâm nghiên cứu cấp cao trong cuộc chiến ngăn nCoV ở tâm dịch Vũ Hán. Viện Virus học Vũ Hán, chi nhánh của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, là nơi có phòng thí nghiệm duy nhất được trang bị công nghệ bảo vệ sinh học cao nhất để nghiên cứu về mầm bệnh truyền nhiễm, ví dụ như nCoV.
Các tin đồn đều hướng tới một giả thuyết rằng nCoV đã "rò rỉ" từ phòng thí nghiệm này. Có tin đồn cho rằng một nhà nghiên cứu đã bị dơi cắn khi đang nghiên cứu nên bị nhiễm virus, tin đồn khác cho rằng một nghiên cứu sinh tại Viện Virus học Vũ Hán chính là "bệnh nhân số 0". Thậm chí, một thuyết âm mưu kỳ quặc hơn còn cho rằng nCoV chính là vũ khí sinh học được tạo ra cho quân đội Trung Quốc và virus này đã vô tình bị thoát ra ngoài.
Những thông tin bắt nguồn từ các tài khoản mạng xã hội chưa được xác minh này đều không cung cấp bằng chứng nào đáng tin cậy.
Tin đồn lan tràn ở Trung Quốc tới mức một nhà nghiên cứu virus có liên quan tới dơi tại phòng nghiên cứu ở Vũ Hán hôm 2/2 phải tuyên bố trên mạng xã hội rằng "cô đem tính mạng ra đảm bảo" cơ sở nghiên cứu này không liên quan tới việc dịch bùng phát, nhưng cũng không đủ sức dập tắt tin đồn.
Hai tuần sau đó, Viện Virus học Vũ Hán ra tuyên bố lên án các cáo buộc, nhưng nhiều người vẫn chưa hết hoài nghi. 4 ngày sau, viện này ra một thông báo khác, trong đó liệt kê và bác bỏ tất cả tin đồn về cơ sở nghiên cứu từ trước đến nay.
Những tin đồn tiếp tục nổi lên sau đó đã vấp phải làn sóng phản bác của giới nghiên cứu trên toàn thế giới. "Tất cả chúng tôi mạnh mẽ lên án những thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên", 27 nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng nổi tiếng tuyên bố trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 19/2.
Trích dẫn nghiên cứu về cấu trúc di truyền của nCoV, họ cho biết các bằng chứng khoa học "đều dẫn tới kết luận rằng virus này có nguồn gốc từ động vật hoang dã giống như nhiều mầm bệnh khác".
"Thuyết âm mưu không làm được gì khác ngoài gieo rắc sợ hãi, tin đồn và định kiến, gây nguy hại tới việc hợp tác toàn cầu để chống lại nCoV", các nhà khoa học cho hay.
Viện Virus học Vũ Hán, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: The Star. |
Tuy nhiên, một số người ở Trung Quốc vẫn không bị thuyết phục trước những luận cứ khoa học này, tiếp tục bày tỏ nghi ngờ trên Weibo rằng chính phủ cố tình che đậy sự thật. Trong khi đó, một số nhóm theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc lại lan truyền một thuyết âm mưu vô căn cứ khác nhắm vào Mỹ.
Tháng trước, một người đàn ông ở vùng Nội Mông bị tạm giữ 10 ngày và phạt hành chính 500 tệ (71 USD) vì lan truyền tin đồn rằng nCoV là vũ khí sinh học của chính phủ Mỹ. Truyền hình quốc gia Trung Quốc đăng tin xử phạt người đàn ông này, như một minh chứng rằng việc đưa tin đồn thất thiệt sẽ bị xử lý ra sao. Nhưng nhiều người không nản lòng và lại coi việc trừng phạt đó là bằng chứng cho thấy chính phủ cố tình che đậy thông tin. Đồng thời, họ tiếp tục chia sẻ và thảo luận về tin đồn này trên mạng.
Một tin đồn vô căn cứ khác nổi lên gần đây cho rằng nCoV không phải là vũ khí sinh học nhân tạo, nhưng có nguồn gốc từ Mỹ và nhiều người Mỹ được cho là tử vong vì cúm mùa thực chất là chết vì Covid-19.
Những thuyết âm mưu cực đoan có thể xuất hiện ở tất cả quốc gia trên thế giới, nhưng việc sụt giảm lòng tin của công chúng vào chính phủ Trung Quốc, đặc biệt sau cáo buộc giấu thông tin bùng phát dịch, đã khiến quốc gia này gặp nhiều khó khăn để dập tắt tin đồn.
"Sự thật là gì?", một người dùng đặt câu hỏi trên Weibo hôm 17/2 khi bình luận về nỗ lực của Viện Virus học Vũ Hán để xua tan tin đồn. "Việc công chúng mất niềm tin vào chính phủ và truyền thông không chỉ mang tới tai họa cho chính họ mà cho cả công dân như chúng tôi", người này viết.
Sự xói mòn lòng tin chủ yếu đến từ những trường hợp như của bác sĩ Lý Văn Lượng, người bị cảnh sát Vũ Hán triệu tập ngày 3/1 và khiển trách vì "tung tin đồn" qua tin nhắn gửi cho bạn bè, để cảnh báo về sự xuất hiện của loại virus giống như chủng virus từng gây dịch SARS. Anh đã bị nhiễm nCoV và qua đời tháng trước.
Không chỉ riêng bác sĩ Lý, ngày 1/1, cảnh sát Vũ Hán thông báo đã có "biện pháp pháp lý" đối với 8 người lan truyền tin đồn về nCoV. Truyền thông Trung Quốc sau đó đưa tin một người trong nhóm này là nhân viên y tế đang cố cảnh báo mọi người về nCoV. Một vài người trong số họ sau đó đã chia sẻ với báo chí về khó khăn gặp phải khi muốn cảnh báo đồng nghiệp và bạn bè về dịch bùng phát.
Nỗi thất vọng sâu sắc của người dân Trung Quốc có thể được thấy qua câu châm biếm xuất hiện liên tục trên mạng xã hội cuối tháng 1, khi Covid-19 dường như vượt tầm kiểm soát: "Nếu ai đó có thể quay ngược Vũ Hán về thời điểm một tháng trước, họ có thể cứu chúng ta khỏi thảm họa này không? Không đâu. Họ sẽ trở thành người tung tin đồn thứ chín".
Sự phẫn nộ và thất vọng của nhiều người Trung Quốc đã châm ngòi cho làn sóng kêu gọi tự do ngôn luận bùng lên khắp đất nước. Để đối phó, Trung Quốc phải tăng gấp đôi nỗ lực kiểm duyệt thông tin.
Nhiều tài khoản và bài đăng ngay lập tức bị xóa sạch trên mạng xã hội và được thay thế bằng những câu chuyện về những tấm gương quên mình trong cuộc chiến chống Covid-19. Việc đưa tin về cuộc sống của người dân Vũ Hán trong vòng kiềm tỏa chặt chẽ cũng bị hạn chế.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ vận chuyển thi thể người chết vì nCoV tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, một vài nỗ lực tuyên truyền của chính phủ lại phản tác dụng. Ở tỉnh Cam Túc, một tờ báo đã đăng video nữ nhân viên y tế khóc trước máy quay khi cạo đầu để tới Hồ Bắc chống dịch. Mục đích của đoạn video là tôn vinh sự tận tâm với công việc của đội ngũ y bác sĩ, nhưng lập tức vấp phải phản ứng gay gắt trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi về sự cần thiết của hành động đó và liệu nhân viên y tế có bị ép cạo đầu.
Vài tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập sự phẫn nộ về việc kiểm duyệt thông tin, khiến chính những người kiểm duyệt cũng phải làm việc thêm giờ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Thành thực mà nói, tôi nghĩ tốt hơn là họ đừng cố dập tắt tin đồn. Khi nhìn thấy một tin đồn bị bác bỏ, tôi về cơ bản sẽ thấy đó chính là sự thật", một tài khoản đăng bình luận thu hút nhiều sự chú ý trên Weibo và bị gỡ ngay sau đó.
Thanh Tâm (Theo CNN)