Kuzmanovic ngồi trước máy tính ở Geneva ngày 3/2, gửi email cho một người tại Pinterest, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh có trụ sở tại San Francisco để hỏi liệu trang này có thể giúp WHO chống những thông tin sai lệch, tin đồn thất thiệt về chủng virus corona (nCoV) mới hay không.
Đề nghị được chấp nhận. Từ ngày 6/2, khi người dùng Pinterest tìm kiếm về nCoV, họ nhận được đường link đẫn đến trang của WHO, giải thích về các tin đồn thất thiệt.
Kuzmanovic và các đồng nghiệp gọi đây là "dịch tin giả". Kể từ khi dịch nCoV bùng phát, họ liên lạc thường xuyên với các nền tảng chia sẻ thông tin lớn nhất và quyền lực nhất thế giới, bao gồm Facebook, Twitter và Google cũng như những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Tuần tới, Andrew Pattison, quản lý các giải pháp kỹ thuật số tại WHO, sẽ tới Menlo Park, California để thăm trụ sở của Facebook, nơi giúp ông liên hệ để xin hỗ trợ từ 20 công ty công nghệ lớn, bao gồm Uber và Airbnb. "Tôi sẽ rất vui nếu Airbnb đưa ra lời khuyên cho những người đi du lịch về nCoV", ông nói.
Trong hai tuần qua, các công ty công nghệ làm việc với WHO đã tích cực đăng các đường link dẫn đến nội dung của WHO, khiến các thông tin sai lệnh khó được tìm thấy hơn qua công cụ tìm kiếm, ít xuất hiện trên các luồng tin tức và đôi khi gỡ bỏ chúng.
Các công ty, bao gồm Google, Facebook và Twitter, xác nhận họ đang làm với WHO. Ngoài ra, họ cũng thực hiện những nỗ lực độc lập để chống tin giả. Họ đang đối mặt với một loạt thông tin vô căn cứ, chẳng hạn như "nCoV là vũ khí sinh học" hoặc "được tạo ra dưới sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates nhằm tăng doanh số bán vaccine", hay bệnh có thể được chữa khỏi bằng cách ăn tỏi hoặc uống một loại thuốc tẩy. Giống như virus, những ý tưởng này dễ "lây" từ người sang người.
Thông tin sai lệch do những người không tin vào khoa học và những người trục lợi phát tán. Họ cố gắng lợi dụng nỗi lo của công chúng để rao bán "phương thuốc" chữa bệnh hay các sản phẩm y tế khác. "Đây là những chuyên gia tự phong, cố tình đưa những thông tin giật gân để 'câu like' hay được nổi tiếng", Pattison nói.
Cơ chế phối hợp này được khởi động từ hai năm trước, khi Pattison đề nghị với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc kết nối với những công ty mạng xã hội lớn để chống lại tin giả về y tế. Hiện giờ, khoảng 6 nhân viên WHO tại Geneva đang làm việc về vấn đề này và đạt được những kết quả tích cực.
Google đưa ra "cảnh báo SOS", dẫn những người tìm kiếm về nCoV đến tin tức từ WHO, bao gồm cả tài khoản Twitter của tổ chức, không chỉ bằng tiếng Anh mà cả tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Arab và Nga. WHO cũng làm việc với mạng xã hội lớn của Trung Quốc WeChat, để thêm một bảng tin cung cấp thông tin từ WHO bằng tiếng Trung.
WHO làm việc đặc biệt chặt chẽ với Facebook, công ty có công cụ sàng lọc bằng cách phát hiện các từ khóa khả nghi và có ban kiểm duyệt nội dung. Những bài đăng bị nghi là tin giả bị hạn chế xuất hiện trên bảng tin hoặc bị loại bỏ hoàn toàn.
Vài tuần trước, Facebook đã xóa một đồ họa vốn của WHO nhưng đã bị chỉnh sửa, nói rằng con người nên tránh quan hệ tình dục với động vật để ngăn chặn nCoV. Facebook cũng dẫn người dùng đến các nguồn thông tin đáng tin cậy, bao gồm WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khi họ tìm kiếm về nCoV.
Tuy nhiên, hàng trăm nghìn người vẫn tiếp nhận nhiều thông tin sai lệch về nCoV trên các nền tảng này và những trang khác, bao gồm Reddit và Tik Tok. Trên TikTok, video nói rằng quỹ của Bill Gates tài trợ để phát triển virus đã thu hút 160.000 lượt xem trước khi bị gỡ.
Trang web cực hữu chuyên đăng thuyết âm mưu Infowars ngày 22/1 đăng video nói virus có thể là âm mưu để giảm dân số thế giới. "Những người theo chủ nghĩa toàn cầu và chính quyền ngầm (những nhóm bí mật giật dây các chính quyền) đã tuyên chiến với nhân loại", người trong video nói. "Họ ghét con người. Đây là lý do họ giết trẻ em".
Xuất hiện bên cạnh video là quảng cáo cho một loại nước súc miệng được mô tả là "hỗ trợ hệ thống miễn dịch một cách xuất sắc" và đã được "khoa học chứng minh". Tuy nhiên, công ty Mayo Clinic nói rằng thành phần sản phẩm chưa được chứng minh là an toàn hoặc hiệu quả trong điều trị bệnh. Infowars hiện bị cấm trên một số mạng xã hội hàng đầu.
Các chuyên gia đánh giá hợp tác giữa WHO và các trang web lớn là một thay đổi đáng kể. Các công ty công nghệ lớn vốn bị chỉ trích là làm ngơ trước nạn tin giả trong chính trị. Nỗ lực của WHO là "rất mới", Danny Rogers, từ Trung tâm Vấn đề Toàn cầu của Đại học New York, nói.
Rogers đánh giá việc đối phó với dịch tin giả về nCoV dễ hơn so với thông tin chính trị vì họ không bị ràng buộc bởi vấn đề tư tưởng hay đảng phái. "Tất cả chúng ta đều đoàn kết để ngăn dịch", Rogers nói.
Đồng thời, sự phối hợp này cũng nhấn mạnh thực tế rằng mạng xã hội có khả năng đối phó với tin giả. "Chúng ta đã được thấy rằng khi các mạng xã hội chịu hành động, họ có thể tạo ra ảnh hưởng rất lớn", ông nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)